Sắp xếp đơn vị hành chính, đừng để đất vàng bị "bỏ quên"

Vấn đề hôm nay-Thứ tư, ngày 30/08/2023 06:12 GMT+7

VTV.vn - Lúng túng xử lý trụ sở tài sản công là tình trạng không phải chỉ của Hà Nội, đây có thể coi là thực trạng chung của nhiều địa phương.

Ước tính 12-14% tổng thu ngân sách hàng năm, tương đương gần 200.000 tỷ đồng đến từ nguồn thu khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công như nhà, đất. Thế nhưng đây vẫn được coi là con số khiêm tốn bởi thực tế tài sản công, đất công chưa được sử dụng hiệu quả đang xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt với các trụ sở đơn vị hành chính sau sắp xếp. 

Quản lý không hiệu quả, không sử dụng, bỏ hoang xuống cấp nhiều trụ sở cơ quan nhà nước sau sáp nhập đơn vị hành chính. Đó là thực trang vẫn đang diễn ra trong nhiều năm qua.

Ghi nhận tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ở phố Tô Hiệu, quận Hà Đông, TP Hà Nội, với khuôn viên rộng, tòa nhà ba tầng hơn 15 năm qua trong tình trạng "cửa đóng then cài", không một bóng người.

"Mặt tiền thế này cho thuê có mà tiền tỷ. Mặt tiền thế này phải làm sao cho người dân người ta đi qua người ta thấy sạch sẽ. Thế đúng là lãng phí quá. Đây người ta gọi là tấc đất tấc vàng, thế mà để thế này không sử dụng thì người dân chúng tôi thấy xót xa lắm", ông Nguyễn Trọng Thể, Phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết. 

Sắp xếp đơn vị hành chính, đừng để đất vàng bị bỏ quên - Ảnh 1.

Nhiều tài sản công "đóng cửa cài then" nhiều năm sau sắp xếp đơn vị hành chính

Cùng nằm trên đường Tô Hiệu, cách 1 ngã tư là trụ sở Cục Thống kê TP Hà Nội cơ sở II cũng không được sử dụng nhiều năm nay. Tất cả các hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng. Người dân trên con phố này cho biết, một cửa hàng mặt tiền nhỏ mỗi tháng cho thuê cũng được 3-4 triệu đồng, trong khi trụ sở này lại bỏ nhiều năm qua là một sự lãng phí rất lớn cho nhà nước.

Lúng túng xử lý trụ sở tài sản công là tình trạng không phải chỉ của Hà Nội. Đó có thể coi là thực trạng chung của nhiều địa phương. Điều 40 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định một số hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan Nhà nước bao gồm: 

1. Thu hồi.

2. Điều chuyển.

3. Bán.

4. Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

5. Thanh lý.

6. Tiêu hủy.

7. Xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

8. Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Lý giải về việc tài sản công chưa được sử dụng hiệu quả, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết về mặt quy định pháp luật về các hình thức xử lý đã bao quát được những tình huống trong thực tế. Vấn đề là việc xử lý tài sản công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: nhu cầu của cơ quan hành chính sự nghiệp; tình hình thị trường bất động sản; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để có thể bán hoặc chuyển nhượng hay không…

"Ngoài ra, vừa rồi chúng ta có sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nên nhu cầu điều chuyển thấp trong khi thị trường bất động sản trầm lắng nền việc bán chuyển nhượng đối với cơ sở nhà đất có những khó khăn nhất định. Do đó tiến độ xử lý các trường hợp bán, chuyển nhượng hiện nay đang còn chậm so với yêu cầu", ông Thịnh cho biết.

Ngày 30/ 7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Trong khi đó thực tế sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức. 

Bởi vậy, để tiếp tục thực hiện việc bố trí, sắp xếp trụ sở công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí trong giai đoạn 2023 - 2030, theo Công điện vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính. Bao gồm các đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 mà cho đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hiệu quả và các đơn vị dự kiến sẽ sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030.

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, cơ quan khác ở trung ương có trụ sở cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 nay không có nhu cầu sử dụng khẩn trương chuyển giao các trụ sở, nhà đất cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để sắp xếp, quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ vào yêu cầu thực tế, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan khẩn trương hướng dẫn theo thẩm quyền việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực hoặc để tài sản, trụ sở hư hỏng, xuống cấp. Tập hợp, báo cáo, đánh giá kết quả hướng dẫn và tổ chức thực hiện cho Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Bộ Nội vụ chủ trì, kịp thời tổng hợp các vướng mắc, bất cập khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có việc bố trí, sắp xếp trụ sở công của các cơ quan, tổ chức để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước ngày 30/9/2023.

Sắp xếp đơn vị hành chính, đừng để đất vàng bị bỏ quên - Ảnh 3.

Việc chậm trể xử lý các tài sản công sau sắp xếp gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, đợt sắp xếp đơn vị hành chính lần này theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và các Bộ lập danh sách tài sản công, trụ sở khi thực hiện sắp xếp phải đưa vào đề án để phê duyệt. Sau khi đề án được phê duyệt có thể xử lý ngay được với tài sản công. Cụ thể theo Nghị quyết 35, trong thời hạn 3 năm kể từ khi đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính được phê duyệt phải hoàn thành việc xử lý với tài sản công.

"Bộ Tài chính đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 và Nghị định 67 theo hướng tăng thẩm quyền phân cấp cho chính quyền địa phương, Bộ trưởng trong việc phê duyệt phương án, cải cách thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính. Bộ Tài chính cũng sẽ có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương để triển khai", ông Thịnh cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước