Sạt lở - Nguy hiểm nhưng khó dự báo sớm

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 23/09/2024 19:42 GMT+7

VTV.vn - Đến nay, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét ở nhiều tỉnh đã hoàn thành tuy nhiên, chỉ mỗi bản đồ thì chưa đủ.

Lý giải vụ sạt lở và lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ

Trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, san phẳng 37 căn nhà, khiến 55 người chết, hiện còn 12 người mất tích. Lượng mưa lớn hình thành sau bão số 3 là một trong những tác nhân gây ra sạt lở. 

Sạt lở - Nguy hiểm nhưng khó dự báo sớm - Ảnh 1.

Làng Nủ trước và sau khi lũ về (Ảnh: Bào Lào Cai)

Hai bức ảnh cho thấy sự khốc liệt của thiên tai. Một ngôi làng yên bình nằm bên bờ suối đã hoàn toàn bị xóa sổ chỉ sau vài phút xảy ra lở đất.

Thôn Làng Nủ nằm trong khu vực phân bố các đá phức hệ Ngòi Chi, hệ tầng núi Con Voi và có một đứt gãy cắt qua. Điều kiện địa hình, địa chất và tính chất đất đá như vậy đã phát sinh trượt quy mô lớn khi có mưa quá lớn. 

Thời điểm phát sinh trượt lớn, đất đá của cả một ngọn núi đổ xuống  tạo thành đập chắn ngang dòng suối. Từ khoảng 23h ngày 8/9 đến 1h ngày 9/9, với lượng mưa kéo dài liên tục ở đây đạt tới 230-260 mm, trong khoảng 18 giờ đồng hồ. Tiếp đó, lượng mưa từ 60-90mm trong hơn 10 giờ tiếp theo đã tạo thành một hồ nước tự nhiên. 

Theo người dân tại hiện trường, lũ quét xảy ra lúc 6h ngày 10/9, như vậy đập chắn tự nhiên do đất đá sạt trượt từ núi Con Voi đã tạo ra một hồ chứa hàng trăm nghìn lít nước và hàng trăm tấn bùn đất đã bị vỡ sau hơn 1 ngày tích nước, gây nên một trong những thảm hỏa về sạt lở đất và lũ quét thảm khốc nhất từ trước tới nay ở nước ta.

Cần có số liệu dự báo lượng mưa để cảnh báo sạt lở

Việc di dân khỏi vùng sạt lở đã được thực hiện ở một số địa phương nhưng triển khai trên diện rộng không dễ vì thiếu quỹ đất và vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà cửa, đất canh tác. Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du. Đến nay, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét ở nhiều tỉnh đã hoàn thành tuy nhiên, chỉ mỗi bản đồ thì chưa đủ.

Ví dụ, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành xây dựng bản bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét, bàn giao đến Ủy ban nhân dân cấp xã từ tháng 8 năm ngoái. Đây là dữ liệu giúp chính quyền và người dân địa phương biết được những nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét. Tuy nhiên, trong đợt mưa bão vừa rồi, vì không có thông tin cụ thể về lượng mưa tại từng thời điểm nên bản đồ chưa phát huy tác dụng. 

Phải mất vài năm mới xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông các bộ ngành, địa phương về nguy cơ sạt lở đất và lũ quét nên một số chuyên gia cho rằng, trước mắt cần nghiên cứu, ứng dụng cách làm của một số nước, kết hợp với kinh nghiệm của người dân.

"Ngay ở Thái Lan, người ta làm rất là đơn giản là cung cấp từng xã 1 bình đo mưa, trên đó khắc ngưỡng, ví dụ mưa ở đó vượt quá ngưỡng 100ml thì tự khắc người ta báo động để người dân ở khu vực nhỏ ý thức sơ tán, phòng tránh", PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Theo GS.TS. Đỗ Minh Đức, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Việc chúng ta cần làm là tiến hành rà soát dọc theo các sông suối, dòng chảy, kể cả tạm thời và liên tục để xem đoạn nào có cây cối đổ rạp hay hiện tượng sạt lở đất đá và nó làm nghẽn hoàn toàn dòng chảy hay là lấp một phần cái diện tích dòng chảy thì chúng ta phải tiến hành khẩn trương khai thông và báo cho chính quyền, người dân địa phương ở vùng thấp và tránh hiện tượng tích nước ở trên sườn dốc. 

Lưu ý là trong cùng một dòng chảy có thể có một hay nhiều điểm nghẽn. Thế nên việc chúng ta cần làm là phải rà soát từ phần địa hình thấp lên, gần đường phân thủy của lĩnh vực dòng chảy để đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác cung cấp cho các vùng hạ lưu".

Những giải pháp lâu dài cần phải được tính đến, nhưng ngay trong đợt thiên tai khốc liệt vừa rồi, đã có những người thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc. Họ đã chọn cách chủ động ứng phó thiên tai, thay vì chờ nó xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục.

Người thôn Kho Vàng tìm đường sống 

Sạt lở - Nguy hiểm nhưng khó dự báo sớm - Ảnh 2.

Hình ảnh này được Đại uý Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu ghi lại trên đường đi đến nơi 17 hộ dân thôn Kho Vàng trú ẩn để sạt lở đất và lũ quét.

Theo kinh nghiệm, mưa lớn trong mấy ngày sẽ có chuyện chẳng lành, Trưởng bản Ma Seo Chứ đã đưa ra một quyết định chưa từng có là di tản cả bản, hơn trăm người đến nơi an toàn.

"Mưa hai ngày không tạnh, nhìn sang bên kia đồi thấy sạt lở nhiều. Lên đồi kiểm tra thấy vết nứt, nguy cơ sạt lở cao rồi, mình về vận động bà con di dời lên trên này", anh ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai cho biết.

Họ phân công nhiệm vụ một cách khoa học: đàn ông chặt tre dựng lều, phụ nữ hướng dẫn trẻ con. Trong lúc di tản, mang theo thứ gì cũng là một lựa chọn quan trọng, để ít nhất có thể sống đến khi được ứng cứu.

Sạt lở - Nguy hiểm nhưng khó dự báo sớm - Ảnh 3.

Địa điểm họ ở tạm là một bãi đất bằng phẳng, nằm giữa những quả đồi

Trong mưa to, gió lớn, địa điểm họ ở tạm là một bãi đất bằng phẳng, nằm giữa những quả đồi. Mấy ngày trốn mưa lũ, họ ăn gạo mang theo, rau rừng và uống nước mưa.

Nhìn từ trên cao, những vết nứt màu nâu dày đặc trên màu xanh của cây lá chính là dấu vết còn lại của các trận sạt lở đất. Nó cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai và cũng cho thấy quyết định của người trưởng thôn trẻ tuổi rất đúng đắn. Họ đã thích ứng được với thiên tai khốc liệt để cứu sống mình.

Anh Ma Seo Chứ nói: "Xin mọi người đừng gọi tôi là anh hùng, tôi cũng chỉ là một thành viên của bản làng. Người bản tôi sống sót sau cơn bão số 3 là do chúng tôi rất đoàn kết, trăm người như một".

Sạt lở - Nguy hiểm nhưng khó dự báo sớm - Ảnh 4.

Nhìn từ trên cao, những vết nứt màu nâu dày đặc trên màu xanh của cây lá chính là dấu vết còn lại của các trận sạt lở đất

Mưa bão đã giảm nhưng bài học về tinh thần chủ động của người dân Kho Vàng chắc chắn sẽ còn được lưu truyền. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị một nơi ở tạm an toàn hơn, thuận tiện cho việc cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân thôn Kho Vàng. 

Đa phần các điểm sạt lở đất và lũ quét ở các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn đều nằm trong khu vực rủi ro sạt lở đất và lũ quét. Chính vì vậy, một mặt cần khai thác, sử dụng hiệu quả những bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất và lũ quét, mặt khác, cần dựa vào kinh nghiệm dân gian. Có vậy mới tránh được phần nào những tổn thất gây ra từ loại hình thiên tai không dễ cảnh báo này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước