Sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại phiên chất vấn, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Tiền lương vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhấn mạnh chủ trương đã có, Thủ tướng Chính phủ cho biết Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết 27, song do nguồn lực khó khăn, do đai dịch COVID-19 nên chưa thể thực hiện.
Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560.000 tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.
Đồng thời, song song với cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước, nước ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng 8/11
Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.
"Chúng ta phải thực hiện cả lương cho cán bộ công chức trong hệ thống chính trị và lương cho người lao động", Thủ tướng Chính phủ nói.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực nhà nước, để hai chính sách này sẽ tiệm cận đến nhau theo Nghị quyết 27.
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương, đến thời điểm này đã hoàn thành danh mục vị trí việc làm với cơ quan tổ chức hành chính là 866 vị trí, đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí, cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí.
Theo kết luận 35 của Bộ Chính trị, tổng số chức danh, chức vụ lãnh đạo là 232 vị trí từ trung ương đến cấp xã. Về cơ bản, từ năm 2016 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo được một cách đầy đủ, khoa học, căn cơ...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về việc thực hiện các nghị định của Chính phủ thì hiện nay còn 2 bộ và chắc chắn vài ngày tới các bộ này sẽ hoàn thành. Như vậy sẽ đảm bảo triển khai đồng bộ, toàn diện trong hệ thống Nhà nước.
Tuy nhiên, với các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cần có sự chỉ đạo thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Đối với Quốc hội, đề nghị Ban Công tác Đại biểu triển khai công tác này.
"Cần đảm bảo việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm có thể đáp ứng được tinh thần triển khai chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói và cho biết, sẽ báo cáo Ban chỉ đạo trung ương quản lý biên chế để tổ chức họp triển khai đồng bộ.
"Bộ sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo về vị trí việc làm trong hệ thống hành chính Nhà nước triển khai kịp thời thời gian tới để các Bộ, ngành hoàn tất vị trí việc làm thời gian sớm nhất để có thể thực hiện lộ trình cải cách tiền lương mà Quốc hội sẽ quyết định trong kỳ họp này", bà Trà cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!