Siêu bão lớn nhất 20 năm qua đe dọa miền Trung

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 25/09/2022 20:47 GMT+7

VTV.vn - Noru – một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua đang tiến vào Biển Đông. Các tỉnh thành miền Trung đã sẵn sàng phương án ứng phó.

Lúc này, bão Noru đang quần thảo Philippines với cường độ ở cấp siêu bão, cấp 15, giật cấp 17. Mắt bão rất rõ và sắc nét, hoàn lưu bão hẹp với mây bão xoắn mạnh, đây là cấu trúc điển hình của những siêu bão.

Dự báo sau khi càn quét qua Philippines, đêm nay, sáng sớm mai (26/9), bão sẽ tiến vào Biển Đông và đi rất nhanh. Các cơ quan khí tượng quốc tế cũng như Việt Nam đều tương đối đồng nhất về hướng di chuyển của bão. Bão sẽ hướng thẳng vào giữa miền Trung nước ta. Cường độ bão khi đổ bộ cũng được các cơ quan khí tượng Quốc tế đánh giá rất mạnh, đều trên cấp 13.

Thời gian bão càn quét trên Biển Đông chưa đầy 2 ngày, từ đêm nay cho đến đêm thứ Ba. Còn trên đất liền, thời điểm bão đổ bộ là sáng sớm thứ Tư, khu vực bão sẽ đổ bộ là Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Siêu bão lớn nhất 20 năm qua đe dọa miền Trung - Ảnh 1.

Bão NORU giật trên cấp 17 tiến nhanh vào Biển Đông; đổ bộ Huế-Bình Định ngày 28/9. (Ảnh NCHMF)

Bão Noru được nhận định tương đồng với bão Xangsane, cơn bão đã từng tàn phá miền Trung nặng nề cả về người và của vào năm 2006. Với Xangsane, lần đầu tiên trong lịch sử ngành Dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam khi đó đã phải mở rộng thang đo gió, từ cấp 13 trở lên.

Sau khi vượt qua Philippines, 2 cơn bão này đều chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khá nhanh, trung bình khoảng 20km mỗi giờ. Cường độ dự kiến khi bão Noru đổ bộ vào Trung Trung Bộ là cấp 12 - 13, tức là cũng gần tương đương với Xangsane khi tâm của nó đi vào Đà Nẵng.

Bài học về cơn bão Xangsane sẽ tiếp tục là một lời cảnh báo cho chúng ta khi ứng phó với bão số 4.

Bão Xangsane là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong từ năm 1986 đến 2006. Bão khiến 76 người thiệt mạng và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.

Tổng thiệt hại do cơn bão Xangsane gây ra tại các địa phương hơn 10.000 tỷ đồng. Nặng nhất là Đà Nẵng. Kế đến là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Trước tình hình cơn bão đi nhanh và nguy hiểm như vậy, chiều nay (25/9), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng với thành viên ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp cùng với các Bộ, Ban, ngành và các tỉnh thành miền Trung để đưa ra biện pháp ứng phó.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, nhất là các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo. Thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các địa phương trọng điểm. Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai căn cứ diễn biến của bão, khẩn trương tham mưu về việc thành lập Ban chỉ đạo tiền phương.

Chiều nay, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4. Công điện yêu cầu:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung Bộ, Tây Nguyên tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ. Căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành Lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; khẩn trương kiểm đếm, hướng dẫn cho tàu thuyền trên biển và tại nơi tránh trú, sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm. Bảo đảm an toàn nhà cửa, cơ sở hạ tầng; bảo đảm an toàn giao thông, nhất là các trục giao thông chính. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện các nhiệm vụ ứng phó hiệu quả với bão số 4, đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân, cơ sở vật chất cũng như an toàn cho sản xuất.

Vào lúc này, các tỉnh, thành miền Trung đã sẵn sàng phương án ứng phó

Từ 19h tối nay, Quảng Trị đã cấm biển. Gần 2.300 tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão an toàn. Hơn 120 hồ đập có mực nước trung bình khoảng 45% dung tích thiết kế. Quảng Trị cũng đang huy động các lực lượng, phương tiện để thu hoạch nốt hơn 500 ha lúa. Các kịch bản di dời dân cũng đã sẵn sàng.

Gần 70 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng đón lũ. Tỉnh cũng đã dự trữ 200 tấn gạo và mỳ ăn liền và các vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai. Rà soát phương án di dời khoảng 26 nghìn hộ dân với gần 100.000 người đến nơi an toàn. Thừa Thiên - Huế sẽ cấm biển từ sáng mai.

Riêng TP Đà Nẵng vẫn còn 39 tàu với hơn 400 ngư dân đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Qua kiểm tra thực tế, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu thành phố sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Đặc biệt, phải di dời 17 tàu chở dầu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả công việc phải hoàn thành trước 18h chiều mai.

Tỉnh Quảng Nam lên phương án sơ tán gần 125.000 dân thuộc các khu vực xung yếu. Nếu bão tăng cấp thành siêu bão thì sẽ di dời trên 400.000 dân.

Hầu hết các hồ chứa ở Quảng Nam đã được đưa về mức tích nước từ 30 đến 50% để sẵn sàng đón lũ. Toàn bộ tàu thuyền đều đã được hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn.

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động khi vùng biển Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn. Riêng đối với các hồ chứa và vùng hạ du, sẽ bố trí lực lượng thường trực để xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Tỉnh Phú Yên dự kiến trong 24 giờ tới, hồ thủy điện Sông Ba Hạ sẽ xả tràn. Các chủ lồng bè nuôi thủy sản được yêu cầu chằng néo hoặc đưa vào khu vực an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè khi bão đổ bộ. Từ mai, tỉnh Phú Yên sẽ không cho tàu thuyền ra khơi. Với hơn 400ha lúa hè thu còn lại, Phú Yên đang huy động lực lượng thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước