Chỉ còn hơn 1 ngày nữa, chúng ta sẽ bước sang năm mới, để lại sau lưng một năm 2024 mà cả nước phải chống chịu với nhiều thiên tai khắc nghiệt. Đặc biệt là cơn bão Yagi, cơn bão chắc chắn đi vào lịch sử, bởi thiệt hại hết sức nghiêm trọng mà nó gây ra đối với 26 tỉnh, thành phía Bắc nước ta và nhiều nước Đông Nam Á khác.
Hơn 3 tháng kể từ khi siêu bão số 3 - Yagi quét qua, dù người dân và chính quyền các địa phương đã có nỗ lực phi thường để khắc phục hậu quả, những tổn thương, đổ nát vẫn còn đó.
Rùng mình, ám ảnh hay đau thương là mô tả về những gì cơn bão số 3 - Yagi gây ra cho các tỉnh thành miền Bắc vào tháng 9 vừa qua. 345 người thiệt mạng và mất tích. Bão số 3 cũng nắm giữ kỷ lục là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử Khí tượng Việt Nam, chỉ mất khoảng 2 ngày sau khi vào biển Đông bão đã từ cấp 8 lên siêu bão cấp 16, giật trên cấp 17.
Khi đi vào đất liền miền Bắc, bão đã gây ra chuỗi thiên tai liên hoàn khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử. Hơn nửa ngày, gió bão đã tàn phá trên 26 tỉnh, thành miền Bắc. Quảng Ninh, Hải Phòng là nơi hứng chịu gió bão mạnh nhất cấp 13 - 14, giật tới cấp 17, tương đương sức gió 220 km/h.
Hoàn lưu mây ẩm rộng lớn của bão còn gây ra một đợt mưa lớn bất thường ở miền Bắc. 83/84 trạm ghi nhận lượng mưa cao gấp 4 - 6 lần trung bình nhiều năm, có nơi lượng mưa đo được trên 700 mm chỉ trong 2 ngày. Mưa quá lớn, đã gây ra lũ lớn trên diện rộng lịch sử ở miền Bắc. Sông Thao, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý lũ lên lịch sử.
Mưa lớn cực đoan còn gây ra thảm họa do sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng ở vùng núi và trung du Bắc Bộ và trở thành nỗi ám ảnh không bao giờ quên với nhiều người.
Hồi sinh sau thảm họa
Bão đã đi qua, nhưng nhiều vùng đất còn ngổn ngang chưa thể khắc phục xong hậu quả, những nỗi đau mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai. Tại thôn Át Thượng, huyện Lục Yên, Yên Bái, một trong những bản làng chịu thiệt hại nặng nề nhất, với hàng chục ngôi nhà bị san phẳng, nhiều gia đình lâm vào cảnh tang thương. Ngày 10/9/2024, đợt sạt lở diện rộng trên toàn tỉnh Yên Bái, tại Thôn Át thượng, 9 người dân thiệt mạng, 56 nhà dân sụp đổ hoàn toàn hoặc phải di dời.
Làng tái định cư sắp hoàn thành để bà con Át Thượng sẽ được sống trong những ngôi nhà mới trước Tết Nguyên đán. Di dời người dân khỏi những vùng đất có nguy cơ sạt lở lớn, xây dựng các khu tái định cư an toàn là một trong những giải pháp để ứng phó, thích ứng với thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt.
Với từng ấy trận mưa lũ kinh hoàng xảy ra nhưng thật khó tin đến tận gần hết năm 2024 rồi mà La Nina - hiện tượng được dự báo sẽ gây mưa nhiều sau hiện tượng El Nino chưa xảy ra. Pha chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina lần này thực sự vô cùng khắc nghiệt. Trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã từng có 3 - 4 cơn bão xuất hiện cùng lúc, sau đó liên tiếp đi vào biển Đông. Hiện tượng này vẫn có thể xảy ra trong năm 2025 tới đây, vì năm nay, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng vượt ngưỡng biểu tượng 1,5 độ C, khiến nhiệt độ nước biển tăng lên, bão rất dễ hình thành và tăng cấp nhanh hơn.
Những siêu bão mạnh như Yagi hay Helen cũng là những mối lo ngại hàng đầu, khi trái đất tiếp tục nóng lên. Các nhà khoa học đã ví nước biển ấm như nhiên liệu cho các cơn bão nhiệt đới. Nếu nhiệt độ bề mặt trái đất tăng trung bình 2 độ C, thì tốc độ gió của bão sẽ tăng 10%.
Mưa lớn dị thường hàng trăm mm trút xuống trong 1 ngày cũng gia tăng tần suất. Dù chỉ cục bộ nhưng lại gây ra sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng như ở Hà Giang hay Valencia của Tây Ban Nha.
Là đất nước "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" từ nhiều đời nay, mỗi người Việt Nam chúng ta có tố chất linh hoạt ứng phó với thiên tai. Nhưng việc thích ứng với thiên tai do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu một cách bài bản, gắn kết giữa từng cá nhân với cộng đồng, với thôn, xóm, tỉnh, thành và cấp quốc gia thì vẫn còn là hành trình dài với nhiều khó khăn, tồn tại cần phải sớm khắc phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!