Thành phố cũng ghi nhận thêm 81 ổ dịch. Tính từ đầu năm đến nay là 407 ổ dịch, hiện còn 37% trong số đó đang hoạt động. Các ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như xã Phùng Xá, xã Hữu Bằng của huyện Thạch Thất; hay xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện như: Thạch Thất, Hà Đông, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Đống Đa.
Trước việc ổ dịch và số ca mắc mới tăng nhanh, các chuyên gia nhận định trong những tháng tiếp theo, số người mắc bệnh có thể tăng gấp 3 cho đến 5 lần. Mới đây, Sở Y tế Hà Nội dự báo đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 9, tháng 10.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thậm chí, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thêm vào đó, thời điểm này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu toàn thành phố chuyển sang vận hành theo cơ chế cao điểm phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ dân cư. Triển khai tổng vệ sinh môi trường. Trong đó, phát động, triển khai các đợt vệ sinh môi trường gắn với từng khu dân cư, hộ gia đình.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tích cực phối hợp với ngành y tế, chủ động diệt bọ gậy và nâng cao sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Trường hợp không may mắc bệnh cần bổ sung vitamin, khoáng chất và sử dụng các sản phẩm thuốc kết hợp các thành phần đông y làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng, giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!