Sơn La: Tập trung cao độ khắc phục, xử lý thiệt hại sau bão số 3

Bài và ảnh: Duy Trung-Thứ ba, ngày 10/09/2024 17:45 GMT+7

VTV.vn - Là một trong những địa phương chịu thiệt hại khá nặng nề trong và sau cơn bão số 3, tỉnh Sơn La đang tập trung cao độ mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân.

Hoa màu thiệt hại nặng

Do chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, hiện một số địa phương tỉnh Sơn La rơi vào tình trạng nguy cấp và bị thiệt hại lớn: Xuất hiện lũ trên suối Nậm Pàn cấp báo động I; Mực nước tại trạm thủy văn Hát Lót có khả năng lên đến cấp báo động 2; Nước suối Tấc huyện Phù Yên, suối Chiến xã Ngọc Chiến huyện Mường La đang dâng cao, nguy cơ gây lũ và ngập lụt khu vực lân cận là rất lớn...

Sơn La: Tập trung cao độ khắc phục, xử lý thiệt hại sau bão số 3 - Ảnh 1.

Thiệt hại 58 ha cây rau màu, hoa màu

Trước tình trạng trên, từ ngày 8/9 đến nay, tỉnh Sơn La liên tục thành lập các Tổ công tác ứng phó huy động lực lượng có mặt tại địa bàn xung yếu trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Các tổ công tác đã trực tiếp xuống các bản, làng để thống kê thiệt hại, giúp đỡ các hộ gia đình di dời tài sản, sửa chữa, khôi phục nhà cửa…Huy động lực lượng Quân sự, Công an, lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ theo phương châm "4 tại chỗ", giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trao đổi với phóng viên VTV Times, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh cho biết, lực lượng chức năng tỉnh luôn theo dõi sát sao tình hình để nhanh chóng ứng phó, có biện pháp phòng ngừa, di dời người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo thống kê mới nhất của tỉnh, đến thời điểm hiện tại mưa lũ đã làm thiệt hại, sạt lở và ngập 380 nhà ở trong đó phải di dời khẩn cấp 62 nhà tại huyện Phù Yên, Mường La, Mộc Châu và Bắc Yên. Đáng chú ý, nông nghiệp bị thiệt nặng nề, lũ quét và ngập úng trên 255ha lúa, 8 ha cây ăn quả, 153ha cây hàng năm, 58 ha cây rau màu, hoa màu và hàng trăm con gia súc, gia cầm.

Còn về giao thông, hiện có nhiều tuyến đường bị chia cắt, với 434 vị trí sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường 66.402 m3 đất đá, nhiều cột điện trung thế, hạ thế bị gẫy đổ...tổng thiệt hại ước tính nhanh lên đến hàng chục tỷ đồng.

Mộc Châu: Thiệt hại gần 5 tỷ đồng

Trên địa bàn huyện Mộc Châu đến nay liên tục xảy ra mưa lốc khiến nhiều điểm giao thông, nhà cửa bị ngập úng, cây cối gãy đổ, nhiều công trình bị hư hại và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Theo thống kê mới nhất của huyện Mộc Châu, ước tính cơn bão số 3 đã khiến 4 ngôi nhà bị đổ, 7 nhà bị tốc mái, 94 nhà bị ngập nước, 57 nhà bị sạt lở đất; nhiều nhà lớp học, nhà văn hóa bị ngập nước, cột điện bị gãy đổ. Đặc biệt, đến nay đã hư hại hơn 252 ha cây nông nghiệp; 5,4 ha nhà lưới khung sắt bị hư hỏng; một số tuyến giao thông bị sạt lở và ngập nước... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ đồng. Cho đến hiện tại đang có nhiều khu ruộng lúa bị ngập, nhất là tại các xã Chiềng Khừa, Chiềng Hắc, Mường Sang và thị trấn Nông trường Mộc Châu...

Sơn La: Tập trung cao độ khắc phục, xử lý thiệt hại sau bão số 3 - Ảnh 3.

Nhiều điểm giao thông bị sạt lở

Trước tình hình đó, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh đã đi kiểm tra nắm bắt tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Mộc Châu. Trong đó đã kiểm tra hiện trạng hệ thống thoát lũ trên địa bàn thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu. Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã đề nghị huyện chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tuyên truyền nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan; chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Sơn La: Tập trung cao độ khắc phục, xử lý thiệt hại sau bão số 3 - Ảnh 4.

Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh đã đi kiểm tra nắm bắt tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Mộc Châu

Hiện huyện Mộc Châu đã thành lập 5 đoàn công tác để đi đến các xã, thị trấn để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão, phối hợp với các địa phương làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất. Đồng thời liên tục khuyến cáo người dân, đồng bào dân tộc về tình hình mưa, bão còn có nhiều diễn biến phức tạp, nhân dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống thiên tai và hướng dẫn của chính quyền địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Hậu họa lớn từ sạt lở đất

Tại tỉnh Sơn La, trong những đợt mưa kéo dài, độ bão hòa nước trong đất thường ở ngưỡng từ 80% trở lên. Sau khi hết mưa, thường xuất hiện đợt nắng nóng, làm nước trong đất bốc hơi nhanh, kết cấu đất đá bị thay đổi, nguy cơ sạt lở ở mức cao và không thể dự báo được thời điểm xảy ra sạt trượt. Cách duy nhất hạn chế thiệt hại về người và tài sản đó là chủ động di chuyển sớm ra khỏi những điểm có nguy cơ lở đất.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất, làm 8 người chết, 12 người bị thương và thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu. Chính vì vậy, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương khảo sát những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở đất. Các điểm có nguy cơ sạt lở đều nằm ở vùng núi cao, các tuyến đèo, dốc. Hầu hết các vụ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh thường xảy ra bất ngờ vào đêm khuya và rạng sáng. Điển hình như huyện Bắc Yên, với địa hình dốc cao, huyện Bắc Yên có nhiều điểm nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm cho nhân dân, nhất là khu vực xã Tà Xùa.

Sơn La: Tập trung cao độ khắc phục, xử lý thiệt hại sau bão số 3 - Ảnh 6.

Nhiều tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh, nguy cơ sạt lở đất lớn

Sơn La: Tập trung cao độ khắc phục, xử lý thiệt hại sau bão số 3 - Ảnh 7.

Lực lượng chức năng hỗ trợ đồng bào dân tộc di rời

Bên cạnh đó, đối với các tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh, nguy cơ sạt lở đất thường xảy ra tại các đoạn đường đèo dốc, có thể gây tắc trong nhiều giờ đồng hồ. Một số xã có duy nhất 1 tuyến đường vào xã, khi xảy ra sạt lở đất, gây nguy cơ bị cô lập. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cần sẵn sàng bố trí phương tiện, nhân lực thực hiện trực 24/24 giờ trong thời điểm mưa lũ xảy ra, nhằm thông tuyến kịp thời; thưỡng xuyên thực hiện triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.

Trao đổi với phóng viên VTV Times, lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, lực lượng chức năng tỉnh theo dõi sát sao tình hình để nhanh chóng ứng phó, có biện pháp phòng ngừa, di dời người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra; các địa phương cùng phối hợp làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất. 

Riêng đối với tình trạng sạt lở đất, giải pháp lâu dài là tập trung triển khai thực hiện biện pháp "nông - lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm căn cứ xây dựng phương án và đề ra các biện pháp phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại. Song song với đó, nhân dân cần nâng cao cảnh giác và chủ động di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Theo dự báo, những tháng cuối năm 2024 sẽ còn nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới và những đợt mưa kéo dài xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó có việc ứng phó với sạt lở đất, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước