Sửa Luật Thủ đô: Đề xuất ngừng cấp điện, nước với công trình vi phạm phòng cháy

Thùy An-Thứ tư, ngày 20/09/2023 11:15 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Ngoài việc ngưng cấp điện, nước, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất mức phạt vi phạm phòng cháy gấp đôi mức chung cả nước.

Định hướng xây dựng ở TP Hà Nội có phần khó kiểm soát

Sáng 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thông qua các quy định của dự thảo luật, có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới và trong tương lai.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhất trí cao với chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có. Đồng thời không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nhất trí việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị, trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

"Chủ trương này là rất đúng, chúng ta đã đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng cần phải triển khai sớm và triển khai quyết liệt. Thực tế sự phát triển Thủ đô thời gian vừa qua, nhất là sau khi sự kiện đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân vẫn gọi là chung cư mini tại khu Khương Hạ làm 56 người chết", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Sửa Luật Thủ đô: Đề xuất ngừng cấp điện, nước với công trình vi phạm phòng cháy - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Theo ông Bùi Văn Cường, cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012.

"Đó là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", ông Bùi Văn Cường nhìn nhận.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời. Dù vậy, đây là công việc được đặt ra từ rất lâu, tuy nhiên công tác triển khai cũng rất chậm chạp.

Đề xuất phạt vi phạm phòng cháy gấp đôi mức chung cả nước

Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất phức tạp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo ở Thủ đô, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Do vậy dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Cụ thể, điều 34 dự thảo quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng và an toàn thực phẩm.

Tại Điều 20 Luật Thủ đô hiện hành, HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn đối với vi phạm trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.

Sửa Luật Thủ đô: Đề xuất ngừng cấp điện, nước với công trình vi phạm phòng cháy - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bên cạnh đó còn quy định biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ (điện, nước) tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Trình bày thẩm tra sơ bộ, liên quan các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay trong quá trình thẩm tra, có ý kiến cho rằng việc quy định HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố.

Cùng với đó là quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước