Suýt chết vì đau bụng chữa dạ dày, không phát hiện nhồi máu cơ tim

Thanh Ba-Thứ ba, ngày 26/09/2023 08:00 GMT+7

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng trong một ca can thiệp tái thông mạch vành cho người nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

VTV.vn - Sau 1 tháng uống thuốc chữa dạ dày tình trạng đau bụng không đỡ, gia đình đưa ông Xuân đi khám thì phát hiện nhồi máu cơ tim, chậm trễ một chút có nguy cơ tử vong.

Ông Đỗ Văn Xuân (72 tuổi, Thanh Hóa) đau bụng đi khám bệnh viện gần nhà nội soi cho kết quả bị viêm dạ dày. Ông uống thuốc điều trị dạ dày 1 tháng nhưng bệnh tình không đỡ, cơn đau bụng vẫn âm ỉ khu vực trên rốn. Cơn đau lan lên ngực sau xương ức, mỗi cơn kéo dài khoảng vài phút, không buồn nôn, không khó thở. Gia đình lo lắng đưa ông Xuân tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Tại khoa Tiêu hóa, các bác sĩ phát hiện bất thường ở tim, ngay lập tức chuyển khoa Tim mạch, phát hiện nhồi máu cơ tim cấp.

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng (Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, kết quả chụp động mạch vành qua da của người bệnh cho thấy đoạn 2-3 nhánh động mạch vành phải hẹp khít gần tắc hoàn toàn. Nhánh cấp máu cho vùng phía dưới của quả tim tắc nghẽn do hẹp khít nặng gây thiếu máu nghiêm trọng dẫn đến chết cơ tim vùng này. Người bệnh cần được can thiệp tái thông mạch vành gấp, chậm trễ nguy cơ suy tim, tử vong cao.

Một khung hợp kim (stent) có tác dụng nong và chống đỡ giúp mở rộng lòng mạch máu nuôi quả tim đang tắc hẹp trở nên thông thoáng, tái lập lại dòng máu như bình thường nhằm cung cấp đủ máu nuôi cơ tim. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo do không cần gây mê, thời gian hồi phục nhanh, chỉ sau 2 ngày được xuất viện. Ông Xuân cho biết trước đó ông không hề nghĩ đến mình mắc bệnh lý Tim mạch.

Một trường hợp khác cụ ông Hoàng Văn Tiến (100 tuổi, Long Biên, Hà Nội) có biểu hiện khó thở, phù chân đi khám hô hấp tại bệnh viện Tâm Anh được phát hiện nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức ông được đặt stent động mạch liên thất trước (mạch quan trọng nhất cấp máu cho thất trái bơm nuôi cơ thể). Nếu chậm trễ nguy cơ suy tim, tử vong có thể xảy ra.

Bà Hoàng Thị Lam, 61 tuổi, khởi phát đau thắt lưng và đau cột sống cổ, khám bệnh viện tuyến dưới được yêu cầu nhập viện nhưng không đồng ý. Bà Lam về nhà tự theo dõi bệnh vì thấy vẫn chịu đựng được. Sau 1 tháng tình trạng nặng ngực, đau lưng, đau khớp không cải thiện, gia đình đưa bà Lam đến khám khớp tại bệnh viện Tâm Anh Hà Nội.

Bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương, thoái hóa khớp và thực hiện tầm soát bệnh lý tim mạch. Sau khi tiến hành siêu âm tim, đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu phát hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Người bệnh được tiến hành can thiệp đặt stent động mạch vành dưới hướng dẫn của hệ thống chụp cắt lớp quang học hiện đại OCT. Sau can thiệp, tình trạng nặng ngực và khó thở của bà Lam được cải thiện rõ rệt.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng hẹp tắc cấp tính động mạch vành do nứt vỡ mảng xơ vữa, hình thành cục huyết khối gây lấp tắc lòng động mạch vành. Đây cũng là bệnh lý gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch.

Mỗi năm thế giới có khoảng 300.000-400.000 người tử vong do nhồi máu cơ tim cấp. Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp do tình trạng hẹp nặng hay tắc nghẽn mạch vành (mạch máu nuôi tim) khiến lưu lượng máu đến tim giảm dẫn đến thiếu máu cơ tim.

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) cho biết, biểu hiện điển hình của nhồi máu cơ tim thường là một cơn đau ngực trái, đau ở vị trí sau xương ức, đau nặng tức lan ra sau lưng, ra cánh tay trái, đau xuất hiện sau gắng sức hoặc lo lắng…

Tuy vậy, trên một số đối tượng đặc biệt phụ nữ, người già, bệnh nhân đái tháo đường, người bệnh thần kinh, thì cơn đau không tương xứng với tổn thương mạch vành, biểu hiện không điển hình hoặc thậm chí không có biểu hiện (nhồi máu cơ tim im lặng). Chính vì vậy, bản thân người bệnh, người thân tránh chủ quan vì có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.

1-2 giờ đầu từ khi có triệu chứng người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện. Từ 2-6 giờ sau đó, việc cứu cơ tim giảm hiệu quả hơn. Thời gian càng muộn, cơ tim bị tổn thương sẽ mất vĩnh viễn, bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nặng. Nếu nhập viện muộn số cơ tim chết lan rộng, can thiệp không còn hiệu quả, nguy cơ tử vong cao.

Phó giáo sư Bạch Yến khuyến cáo người bệnh thuộc các đối tượng nguy cơ cao (nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh; người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn mỡ máu di truyền…), dù không có biểu hiện đau ngực, vẫn nên tiến hành tầm soát tim mạch để tránh bỏ sót các bệnh lý tim mạch nguy hiểm, đặc biệt nhồi máu cơ tim.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

640X400

20h, ngày 26/9, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề "Phòng ngừa nhồi máu cơ tim & thời điểm vàng can thiệp mạch". Chương trình có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng.

Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước