Từ làng Bya, xã Sró, huyện Kong Chro, men theo những con dốc thẳng đứng dọc theo khu vực đất sản xuất của người dân tại đây chừng 3 km sẽ tiếp cận được khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Nhìn từ bên ngoài, những diện tích rừng còn lại có độ che phủ khá cao, nhưng bên dưới tán rừng hầu hết những cây gỗ lớn đã bị cưa hạ liên tiếp trong nhiều năm qua. Những gốc cây cổ thụ và nhiều khúc gỗ bị lâm tặc bỏ lại nằm ngổn ngang từ năm này sang năm khác và xen vào đó là cả những cây mới, chỉ trong một khoảnh nhỏ đã có 6 cây bi cưa hạ.
Vào tháng 3/2020, sau khi được người dân thông tin về tình trạng phá rừng diễn ra tràn lan tại khu vực rừng này thì vụ việc mới được phanh phui. Trên 30 gốc cây cổ thụ, nhiều cây có đường kính trên 1,5m, chiều dài trung bình trên 20m đã bị cưa hạ. Khối lượng gỗ thiệt hại được cơ quan chức năng huyện Kong Chro xác định chưa đến 50m3 và của nhiều vụ việc khác nhau. Tuy vậy, trong báo cáo của đơn vị chủ rừng là UBND xã Sró lại không hề đề cập đến việc mất rừng trong thời gian dài trên lâm phần do mình quản lý. Việc để mất rừng ngay tại hiện trường đang được bảo vệ để phục vụ công tác điều tra cần phải đặt dấu hỏi cho trách nhiệm chủ rừng.
Vụ phá rừng nghiêm trọng này đã bị khởi tố nhưng thủ phạm phá rừng vẫn không được tìm ra. Chủ rừng để mất rừng thì vẫn không hề bị xử lý trách nhiệm đối với những sai phạm của mình. Điều đó đã khiến tình trạng phá rừng nơi đây liên tục tái diễn trên diện tích hơn 2.000 ha được UBND xã Sró nhận quản lý, bảo vệ. Dư luận đang đặt câu hỏi điều gì đã khiến cánh rừng này trở nên hỗn độn, ngổn ngang như thế? Và ai đã dung túng, bao che cho việc buông lỏng quản lý và thiếu trung thực trong việc báo cáo để lẩn tránh trách nhiệm như việc mất rừng tại xã Sró trong suốt thời gian dài.
Tái diễn nạn phá rừng tại rừng phòng hộ Sró
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!