Trong quá trình đô thị hóa, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành đến khu vực mới phù hợp quy hoạch là cần thiết. Tại Hà Nội, từ nay đến 2025, thành phố sẽ có 9 nhà máy, cơ sở sản xuất phải di dời khỏi nội đô. Nhiều công trình nằm ở vị trí đắc địa, hay vẫn được gọi là khu đất vàng.
Nhà xuất bản Nông nghiệp có diện tích khoảng 800m2 trong một con ngõ của phố Phương Mai, Hà Nội. Đơn vị này nằm trong danh sách 9 cơ sở phải di dời khỏi nội đô từ nay đến năm 2025. Người dân xung quanh đang mong chờ một sự thay đổi
Chị Ngô Thị Phương Thủy, người dân ngõ 167 Phương Mai cho biết: "Mong muốn nhất là mở một trường mầm non. Không gian này mở trường mầm non là vừa đủ, không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt".
Nhà máy Bia Hà Nội được người Pháp bắt đầu xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và hoạt động đến khoảng năm 1954. Năm 1957 nhà máy nối lại sản xuất. Đây là công trình mang nhiều dấu ấn lịch sử và di sản của thành phố. Vì thế việc di dời không thể đơn giản như di dời một nhà máy bình thường khác.
Theo TS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây Dựng Hà Nội: "Chọn lọc giữ được phần quan trọng nhất mang dấu ấn lớn nhất của thời đại mà công trình đó đại diện. Cái này là di sản đô thị chúng ta không thể cứng nhắc. Tự nhiên đóng khung nó vào đấy và giữ để nó lãng phí".
Khi di dời cả 9 cơ sở trên, Hà Nội sẽ có thêm quỹ đất hơn 52 ha. Một vài trong số đó theo quy hoạch sẽ là khu đất hỗn hợp, trường học, nhà ở, bãi đỗ xe hay đất công cộng. Theo các nhà quy hoạch và kiến trúc sư, khái niệm công cộng ở đây cũng cần được làm rõ.
Tái thiết đô thị từ những khu đất vàng trung tâm là cơ hội quý với Hà Nội. Tận dụng cơ hội ấy thế nào để không hối tiếc là câu hỏi và cũng là kỳ vọng của nhiều người dân thủ đô lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!