Các máy bay nhỏ hạ cánh xuống sân bay Điện Biên. Ảnh: PLO
Mục tiêu dự án là mở rộng, kéo dài đường cất - hạ cánh, đường lăn, sân đỗ. Sau khi nâng cấp, sân bay Điện Biên sẽ phục vụ được các loại máy bay như A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác được máy bay nhỏ ATR72 như hiện nay. Đồng thời, sân bay này sẽ tiến hành cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách, nâng công suất lên 500.000 đến 1 triệu khách/năm.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra kế hoạch hoàn thành thi công giai đoạn 2 công trình hàng rào an ninh vào tháng 6/2023; hoàn thành công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, ACV cũng chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư các hạng mục trên như công tác giải phóng mặt bằng chưa xong, nguồn vật liệu cho thi công dự án (đất đắp, cát) hiện tại rất hạn chế, không đủ trữ lượng cho việc thi công dự án.
Vì vậy, ACV kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, có phương án bổ sung các nguồn vật liệu nhằm đảm bảo đủ trữ lượng, khả năng cung cấp cho dự án triển khai đúng tiến độ.
Sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Hiện nay sân bay này có 1 đường băng và 3 vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 khách/năm.
Do hai đầu đường băng vướng núi và hệ thống trang thiết bị hạ tầng đơn giản, sân bay Điện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt loại nhỏ như ATR 72, máy bay phản lực nhỏ như Embraer 190 vào ban ngày trong điều kiện thời tiết cho phép.
Vì vậy, ngày 27/3/2021, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng sân bay Điện Biên - sân bay duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!