Tăng cường hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/11/2023 06:32 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ vi phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó không thể không kể đến việc thiếu trách nhiệm quản lý của các địa phương.

Khai thác tiêu thụ trái phép đất hiếm. Hay có nơi đã có đề án đóng cửa mỏ vàng nhưng hoạt động khai thác vẫn diễn ra. Đấu giá cấp quyền khai thác mỏ cát cao gấp nhiều lần giá khởi điểm… Một phần nguyên nhân là do những bất cập trong công tác quản lý giám sát và sự chậm chễ trong việc lập quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản ở nhiều địa phương. 

Tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia, là nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ cho nhiều ngành nghề sản xuất công nghiệp, kinh doanh, góp phần vào các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Nhưng đây là tài sản hữu hạn. Vì vậy, khi sử dụng, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay, thống kê đã có hơn 3.500 giấy phép khai thác trên 50 loại khoáng sản các loại do Bộ Tài nguyên môi trường và UBND các tỉnh, thành cấp phép so với cách đây 10 năm. Hoạt động khai thác khoáng sản cơ bản được điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật minh bạch, hiệu quả, cả trong hoạt động cấp phép cũng như chế biến sâu để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Nhưng thời gian qua, nhiều vụ vi phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó không thể không kể đến việc thiếu trách nhiệm quản lý của các địa phương.

Tăng cường hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản - Ảnh 1.
Tăng cường hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản - Ảnh 2.

Những tồn tại, hạn chế trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP. Hà Nội rà soát quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng, làm hồ sơ, tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác mỏ cát ở huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm. Kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác ba mỏ cát ở đây cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, có yếu tố bất thường.

Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 6 đối tượng vì có liên quan đến việc khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm tại Yên Bái.

Năm 2021, một đường dây khai thác, mua bán than trái phép với số lượng gần 3 triệu tấn than ở Thái Nguyên đã bị triệt phá. Các đối tượng trong đường dây đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Từ 2020 đến nay, các lực lượng của Bộ Công an và công an các tỉnh thành cũng triển khai nhiều đợt truy quét, bắt giữ hàng trăm vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Tại nhiều địa phương, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã đóng góp tích cực cho ngân sách và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là ở 1 số khu vực vùng sâu, vùng xa. Thu ngân sách từ thuế tài nguyên trong 10 năm qua đạt khoảng 157.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số thu từ dầu khí), đóng góp trung bình từ 5 đến 6 % tổng sản phẩm trong nước.

Tuy nhiên, ở 1 số địa phương, nguồn thu từ hoạt động này lại liên tục giảm trong nhiều năm trở lại đây. Ngân sách Nhà nước thì thất thu, trong khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quy định của pháp luật về quy hoạch tài nguyên khoáng sản, các Bộ, ngành, địa phương phải tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch. Đây là cơ sở để thực hiện việc quy hoạch tài nguyên khoáng sản tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay, theo Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mới có trên 10 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trên địa bàn. Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là một trong những mục tiêu tổng quát của công tác quy hoạch tài nguyên khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tình trạng quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương chưa được lập và phê duyệt kịp thời đã dẫn đến việc khai thác, quản lý, chế biến tài nguyên khoáng sản hợp pháp còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hệ lụy của việc khai thác tài nguyên trái phép, gây thất thoát, lãng phí nguồn khoáng sản, vi phạm pháp luật về tài nguyên. Chưa kể đến là môi trường thì bị huỷ hoại, cuộc sống, sức khoẻ của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó bài toán là làm sao tăng cường, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản giúp hài hoà giữa các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội… đó là vai trò trách nhiệm của chủ thể quản lý - các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương về quản lý tài nguyên khoáng sản. 

Tăng cường hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản - Ảnh 3.

Cùng trao đổi về vấn đề này với TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước