Từ giữa tháng 8 năm ngoái, Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách nới lỏng thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam như là cấp visa điện tử cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thời gian lưu trú tối đa lên tới 90 ngày. Đây là một cú hích để hướng tới mục tiêu thu hút 18 triệu khách quốc tế trong năm nay.
Song song với việc phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch, việc người nước ngoài xin visa vào Việt Nam dễ dàng, với thời gian lưu trú lâu cũng đặt nhiều thách thức trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều giải pháp quản lý lưu trú với người nước ngoài hiện đang được tăng cường.
Căn phòng chưa tới 10m2 nhưng có khoảng chục người thuê trọ.
Kiểm tra một cơ sở lưu trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội, trong căn phòng chưa tới 10m2 là khoảng chục người thuê trọ, lực lượng chức năng phát hiện 5 người đã ở quá hạn. Tương tự tại một cơ sở khác, có người định bỏ trốn khi thấy lực lượng chức năng. Thời điểm kiểm tra, nhiều người không xuất trình được hộ chiếu. Hàng loạt trường hợp đã ở quá hạn.
Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, những người này đều đến từ một số quốc gia châu Phi và Trung Đông. Họ không có tiền, cũng không có bằng cấp. Những người này cho biết, họ không có tiền mua vé máy bay về nước, ''muốn kiếm việc nhưng không ai thuê cả''; "Tôi biết ở quá hạn là vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng tôi muốn ở lại để kiếm việc làm",...
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nửa đầu năm nay, Việt Nam đón gần 9 triệu người nước ngoài nhập cảnh, tăng gần 60% so với năm ngoái. Trong 6 tháng đã có 80 vụ việc, hơn 150 người nước ngoài đã bị bắt giữ liên quan tới các loại tội phạm như buôn bán ma tuý, mại dâm, gây rối trật tự công cộng, gây thương tích.
Hiện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đang phối hợp với công an địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra các cơ sở lưu trú trên địa bàn, phát hiện và vận động các trường hợp ở quá hạn visa, hộ chiếu không ở lại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!