Tăng nguy cơ đột quỵ tim và biến chứng tim mạch mùa lạnh

Hạ Vũ-Thứ hai, ngày 18/12/2023 14:05 GMT+7

Từ trái qua: Các chuyên gia BVĐK Tâm Anh TP.HCM - BS.CKI Vũ Năng Phúc - Trưởng khoa Tim bẩm sinh, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch cùng MC Thúy Hằng tại buổi tư vấn trực tuyến.

VTV.vn - Thời tiết lạnh không chỉ tăng nguy cơ đột quỵ tim mà còn khiến các bệnh lý tim mạch khác như tăng huyết áp, suy tim… trở nặng nếu không chăm sóc, phòng ngừa đúng cách.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Phòng ngừa đột quỵ tim & các biến chứng tim mạch trong mùa lạnh" vào 20h ngày 14/12.

Mùa lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ tim ở người lớn tuổi

Đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp) xảy ra khi dòng máu đến nuôi tim bị tắc đột ngột gây tổn thương mô cơ tim. Đây là kết quả của tình trạng mảng xơ vữa mạch máu bị vỡ hay nứt ra, tạo điều kiện hình thành cục máu đông bít tắc động mạch vành. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu đặc trưng như đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.

Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ tim, trong đó có yếu tố thời tiết lạnh. PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) lý giải vào những hôm trời lạnh, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C), khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng khả năng nhồi máu cơ tim ở những người vốn có sẵn yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá… Thống kê cho thấy nguy cơ đột quỵ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10 độ C. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm đối tượng khác.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) cho biết, bên cạnh đột quỵ tim, thời tiết lạnh còn dễ khiến các bệnh lý tim mạch trở nặng nếu người bệnh không có chế độ chăm sóc hợp lý. Các nghiên cứu cho thấy trời lạnh có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người lớn tuổi. Trung bình, tỷ lệ tử vong hoặc nhập viện do suy tim tăng 0,7% khi nhiệt độ giảm 1 độ C. Khi mạch máu co lại nhằm ổn định thân nhiệt vào những ngày trời lạnh, tim phải co bóp nhiều hơn để bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể, hệ quả làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ suy tim.

Tăng nguy cơ đột quỵ tim và biến chứng tim mạch mùa lạnh - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến nhấn mạnh, để phòng tránh hội chứng vành cấp (đột quỵ tim) cần ngăn ngừa tình trạng vỡ mảng xơ vữa mạch máu bằng cách duy trì huyết áp ổn định, bỏ thuốc lá, kiểm soát mỡ máu…

Ngoài ra, thời tiết lạnh khiến người lớn tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, phổ biến nhất là cúm. Đây là bệnh lý do virus gây ra, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, trong đó có suy tim.

Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ một số cách giúp giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch mùa lạnh như giữ ấm cho cơ thể, bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, giảm áp lực, căng thẳng kéo dài, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, tránh thừa cân - béo phì… Đối với những người có bệnh lý nền, cần tuân theo phác đồ điều trị kết hợp tái khám định kỳ nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.

Tăng nguy cơ đột quỵ tim và biến chứng tim mạch mùa lạnh - Ảnh 2.

Siêu âm tim gắng sức tầm soát nguy cơ bệnh tim mạch tại Bệnh viện Tâm Anh.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến khuyến nghị mọi người, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhồi máu cơ tim và bệnh tim mạch nên khám tầm soát dự phòng và điều trị hiệu quả. Hiện nay tại hệ thống BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh mạch vành - nguyên nhân gây đột quỵ tim bằng các phương pháp chuyên sâu như xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ, siêu âm tim gắng sức, chụp CT mạch vành… Nếu phát hiện bệnh, các bác sĩ liên chuyên khoa sẽ hội chẩn và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhằm kiểm soát tốt bệnh, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim.

Trẻ bệnh tim bẩm sinh dễ trở nặng nếu mắc bệnh truyền nhiễm

Không chỉ người lớn tuổi, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cũng tăng nguy cơ trở nặng khi mắc bệnh truyền nhiễm trong mùa lạnh, nhất là những trẻ không tiêm ngừa đầy đủ. BS.CKI Vũ Năng Phúc (Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM) thông tin, thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn sinh sôi như: cúm, phế cầu, RSV... Trẻ bị bệnh tim vốn có sức đề kháng yếu, nếu nhiễm bệnh, các triệu chứng của trẻ có thể nghiêm trọng hơn so với những đứa trẻ khỏe mạnh.

Tăng nguy cơ đột quỵ tim và biến chứng tim mạch mùa lạnh - Ảnh 3.

Theo BS.CKI Nguyễn Lê Nga, người khỏe mạnh cũng có thể mắc cúm nên tất cả các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần tiêm vaccine cúm hàng năm.

Các báo cáo cho thấy những bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, cúm, nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân chính làm trầm trọng triệu chứng và gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy, việc bảo vệ tránh nhiễm trùng là cực kỳ quan trọng đối với nhóm bệnh nhân này, đặc biệt là những trẻ đang chờ phẫu thuật hoặc vừa trải qua can thiệp/mổ tim.

BS.CKI Nguyễn Lê Nga (Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC) khuyến cáo, trẻ cần được tiêm ngừa từ lúc mới sinh cho đến khi trưởng thành với các loại vaccine phòng bệnh cúm, viêm phổi, thủy đậu, sởi, ho gà, rubella… Trẻ bị tim bẩm sinh (dù đã phẫu thuật hay chưa) càng cần thiết tiêm ngừa để nâng cao sức đề kháng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch có sẵn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước