Đề xuất bổ sung mức thuế lên tới 10.000 đồng/bao thuốc lá
Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh, trong đó có ung thư, tim mạch, sinh sản…
Còn đối với kinh tế, nghiên cứu mới đây cho thấy, việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam gây thiệt hại lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1% GDP. Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo tỷ lệ phần trăm đối với thuốc lá mà chưa có thuế tuyệt đối như nhiều quốc gia trên thế giới. Do mức tăng thuế suất thấp cùng với đó là tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm đã làm cho sức mua thuốc lá tại Việt Nam không giảm.
Chính vì lẽ đó, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất giữ nguyên thuế suất 75% đối với mặt hàng thuốc lá và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.
Chính phủ nghiêng về phương án 2 với khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Đây cũng là phương án được nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ nhằm đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Dù vậy, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, việc điều tiết tiêu dùng thuốc lá bằng tăng thuế cao sẽ có tác động rất lớn đối với xã hội, đối với người dân, đối với doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chỉ ra nguy cơ gia tăng buôn lậu thuốc lá khi tăng thuế cao: "Tăng đột ngột sẽ đạt được mục tiêu giảm cầu nếu làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, nếu chưa thể làm tốt công tác chống lậu thì hậu quả lại rất tai hại và mục tiêu giảm cầu không đạt được".
Theo đại biểu, buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận vì trốn tất cả các khoản thuế cộng vào khoảng hơn 400 - 500%. Giá thuốc lá tăng cao đột ngột sẽ dẫn đến nhiều người tìm đến thuốc lá lậu giá rẻ, có sẵn, dễ tiếp cận trên thị trường, không được kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, doanh nghiệp thuốc lá trong nước hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước. Mức tăng thuế tuyệt đối tác động lớn nhất từ các sản phẩm thuốc lá phân khúc giá rẻ, giá trung bình mà chủ yếu là của các doanh nghiệp trong nước sẽ dẫn đến các doanh nghiệp này gặp khó khăn, thậm chí đóng cửa.
Trước đó, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng lên tiếng, việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá tăng phi mã. "Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường" – đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho hay.
Tăng thuế thuốc lá là biện pháp cùng thắng
Trao đổi với phóng viên về những lo ngại trên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chỉ ra rằng, đã có sự suy giảm trong buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam ngay cả khi nước ta đã tăng thuế lên 70% rồi sau dó là 75%. Một trong những những nguyên nhân là bởi nhiều loại thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp.
Trong khi đó, nếu như mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam luôn xoay quanh mốc 4 tỷ bao/năm thì sản lượng từ các doanh nghiệp thuốc lá trong nước vẫn liên tục tăng, nhờ đó đóng góp cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, thuế đánh vào thuốc lá là một công cụ chính sách đặc biệt đem lại lợi ích kép, vừa làm giảm tiêu dùng thuốc lá, cải thiện sức khỏe người dân, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá, vừa làm tăng nguồn thu ngân sách cho chính phủ.
Về phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm khuyến nghị tăng thuế thuốc lá ở mức cao đủ để giảm tiêu dùng được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội. Phương án của WHO là cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Phương án này cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, với mức giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020, đồng thời làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
"Tăng thuế thuốc lá là biện pháp cùng thắng. Thắng cho y tế công cộng, và thắng cho nguồn thu ngân sách" - tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm khẳng định.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững. Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể giúp các quốc gia đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) như cam kết của Việt Nam tại Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Việc tăng thuế giúp định hướng giảm tiêu dùng thuốc lá, qua đó giúp nâng cao sức khỏe và năng suất lao động, giúp giảm chi tiêu cho chi phí y tế của hộ gia đình, qua đó tạo điều kiện cho hộ gia đình tăng chi tiêu cho giáo dục - đào tạo, tăng tiết kiệm để phục vụ hoạt động đầu tư – kinh doanh.
Khoản tiền thuế cũng sẽ bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có việc chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo trồng cây thuốc lá. Ông Nguyễn Anh Dương cũng đề xuất việc nâng cao năng lực đánh giá và dự báo nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm lập kế hoạch cho các chương trình, sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững được tài trợ từ ngân sách nhà nước.
Từ những phân tích trên có thể thấy rõ, áp thuế ở mức cao và tăng thuế thuốc lá đều đặn đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng, và giúp tăng doanh số thu thuế từ thuốc lá. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết và cần được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!