Những năm qua, rất nhiều bạn trẻ đã quyết định rời phố thị xa hoa để trở về quê hương khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây được coi là một trong những xu hướng sống mới tích cực của giới trẻ với khao khát mang tri thức về góp phần xây dựng cuộc sống làng quê. Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đã tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nghề nghiệp việc làm, càng thúc đẩy mạnh mẽ lựa chọn trở về quê hương của người trẻ.
Nhằm tạo "bệ phóng" giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lần đầu tiên Trung ương Đoàn và Sabeco phối hợp tổ chức hành trình tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cho thanh niên nông thôn. Hành trình đi qua 3 tỉnh (Lào Cai, Quảng Ngãi, Lâm Đồng), đánh dấu chặng cuối của Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVII.
Phát huy sức mạnh nội tại
Trên mỗi chặng hành trình, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp đã cùng nhau trao đổi, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn thanh niên nông thôn, trong đó điểm nhấn đặc biệt nhất là talkshow trang bị kiến thức về phát triển kinh tế, "Cách kể chuyện thương hiệu – Hãy tạo sự khác biệt", hướng dẫn quy trình chuẩn lập dự án kinh doanh khả thi.
Từ Đồng Nai, chị Bùi Thủy ấp ủ ý tưởng tận dụng quả bưởi non tại địa phương để sản xuất xà phòng và dầu gội đầu. Trên mảnh đất quê hương, mỗi ngày chị đều trau dồi rèn luyện bản thân, học hỏi kinh nghiệm để "làm giàu vốn kinh nghiệm" khởi nghiệp. "Tham gia khóa tập huấn lần này, tôi mong muốn sẽ được học hỏi thêm từ nhiều chuyên gia và các bạn khởi nghiệp, đồng thời học được kỹ năng thuyết trình tốt hơn để có thể chia sẻ giá trị sản phẩm khởi nghiệp của mình, tiếp tục tạo dựng giá trị nông sản của địa phương" - chị Thủy bày tỏ.
Mang trong mình khát khao lập nghiệp trên quê hương, chị Nguyễn Hoàng Anh đã tìm thấy chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, giáo dục bền vững ở vùng đất đầy tài nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng).
Ở mảnh đất cao nguyên, chị Hoàng Anh đã tìm ra sự khác biệt dựa trên yếu tố văn hóa và tài nguyên bản địa, xây dựng thương hiệu sản phẩm xanh, sạch vì sức khỏe cộng đồng và "kể" câu chuyện thông qua sự khác biệt, đặc sắc của sản phẩm để người dùng dùng thử và trải nghiệm sự khác biệt.
"Thanh niên nông thôn có sự hiểu biết về tài nguyên bản địa để tạo nên sức mạnh nội tại bên trong, chính họ góp phần chia sẻ và lan tỏa những giá trị đó đi một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, việc kết hợp du lịch với nông nghiệp, thiết kế những hành trình trải nghiệm tuyệt vời sẽ giúp các bạn trẻ xây dựng nên những sản phẩm độc quyền, khác biệt mà không ai có thể copy được" - chị Hoàng Anh chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.
Từ miền núi cao Tây Bắc, đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, những người trẻ đã tìm ra hướng đi mới để phát huy tài nguyên bản địa, giữ gìn độc đáo bản sắc văn hóa dân tộc, mở ra lối đi mới giúp đồng bào phát triển kinh tế. Từ Sa Pa (Lào Cai), chị Chảo Lao Tả cùng thanh niên địa phương đã phát huy được thế mạnh bài thuốc lá tắm của đồng bào Dao đỏ lưu truyền bao đời nay.
"Bài thuốc giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, chữa bệnh, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ. Nhận thấy khách du lịch đến trải nghiệm và rất hài lòng nên sau khi tốt nghiệp trở về quê, tôi đã nghiên cứu để chuẩn hóa bài thuốc. Hiện, sản phẩm đã phân phối ở thị trường Sa Pa và một số tỉnh, thành trên cả nước" - chị Chảo Lao Tả chia sẻ.
Điều mà chị cũng như rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp mong mỏi chính là làm thế nào để phát huy được giá trị của sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm từ dạng thô sang các sản phẩm chế biến khác có giá trị, từ đó tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn và nhờ đó mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tạo "bệ phóng" khởi nghiệp
Chỉ sau 2 tháng phát động, cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn đã tìm ra được 110 hồ sơ dự án lọt vào vòng bán kết. Không dừng lại ở việc trao giải thưởng, cuộc thi còn mở ra chuỗi hành trình tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn ở khắp mọi miền Tổ quốc, phát huy sức mạnh nội tại, thôi thúc khát khao làm giàu của người trẻ trên chính mảnh đất quê hương mình.
"Chúng tôi mong muốn các bạn khi trở về địa phương sẽ có những định hướng, hoàn thiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh những kiến thức học được tại lớp tập huấn, đây là cơ hội để các bạn kết nối cùng nhau, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, trở thành đối tác, bạn hàng tin cậy của nhau trong cuộc sống và trong phát triển kinh tế" - chị Nguyễn Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Vân cho biết, thời gian tới Ban tổ chức sẽ kết nối các bạn thanh niên nông thôn với những gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở các lĩnh vực để hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết. Cùng với đó, năm nay T.Ư Đoàn sẽ triển khai sàn nông sản trên vũ trụ ảo Metaverse và tổ chức Triển lãm nông nghiệp số trên nền tảng Techfest VN 247 - nền tảng số hoạt động tổ chức sự kiện kết nối, triển lãm, hội thảo, đầu tư, đào tạo, quảng bá, thương mại hóa cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia kết nối quốc tế, kết nối 63 tỉnh, thành đoàn và các quốc gia trên thế giới… Qua đó, mở không gian kết nối cho thanh niên nông thôn có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng, gặp gỡ đối tác tiềm năng.
Tham gia đồng hành cùng chuỗi hành trình, các chuyên gia đã giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm, "truyền lửa" cho thanh niên nông thôn trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
"Để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, khởi nghiệp nên gắn với đổi mới sáng tạo với 3 nền tảng chính gồm: sáng kiến, công nghệ và tài sản trí tuệ. Ý tưởng đổi mới sáng tạo phải thực sự độc đáo, khác lạ nhằm tăng hiệu suất, giảm chi phí, phát triển thêm các thị trường mới và quan trọng nhất là đem lại giá trị cho khách hàng, người tiêu dùng" - bà Venus Teoh Kim Wei, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Truyền thông Sabeco chia sẻ.
Ông Hoàng Phi Long, chuyên gia về gia về tư vấn và đào tạo quản trị bán hàng, quản trị sản xuất và xúc tiến thương mại quốc tế (VCCI) cũng chia sẻ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho thanh niên làm kinh tế vùng nông thôn.
Trong đó, mỗi thanh niên nông thôn phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết, chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Hoàng Phi Long cũng cho rằng, các mô hình kinh tế nông thôn cần phải đầu tư cho giai đoạn nghiên cứu để nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị trong nước và quốc tế nếu có cơ hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!