Nhiều năm trồng lúa trên đất trũng chỉ đủ ăn và chăn nuôi, tiếc ruộng bỏ hoang nên ông Nguyễn Văn Nam (ở thôn 2 Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) quyết định chuyển đổi thành vườn tạp với mô hình đa canh mít, bưởi, ổi khi được vay 100 triệu vốn giải quyết việc làm. Chỉ riêng tháng qua, ông thu hơn 30 triệu đồng nhờ ổi trái vụ. Hiện vợ chồng ông trồng thêm vườn cau xuất khẩu vì đang có giá.
Tại xưởng bún phở khô truyền thống, nơi đang tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, bà Tạ Thị Thu đã làm ở đây được 8 năm với công việc vừa sức và gần nhà, quan trọng là có lương hàng tháng. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã ủy thác trên 150,3 tỷ đồng qua hệ thống tín dụng chính sách để cho vay giảm nghèo và tạo việc làm trên địa bàn.
Ở nông thôn, với người trên 35 tuổi, nhất là phụ nữ rất khó tìm một việc làm. Để giải quyết nhóm lao động này rất cần việc phát triển các mô hình kinh tế tại các làng xã, trong đó cần ưu tiên nguồn vốn chính sách sách giải quyết việc làm cho các mô hình này nhằm tạo thêm nhiều chỗ làm mới.
Hiện các địa phương đang bố trí thêm ngân sách cho giảm nghèo và giải quyết việc làm tại chỗ, đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khu vực này, tạo ra nhiều chỗ làm mới, góp phần đảm bảo an sinh ở nông thôn. Bình quân 1 lao động nông thôn có việc làm tại chỗ với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng đã gấp 3 lần so với làm lúa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!