Thách thức trong việc quản lý mua bán thuốc online tại Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/10/2024 16:19 GMT+7

VTV.vn - Việc mua bán thuốc online đang phổ biển tại Việt Nam nhưng Luật Dược hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, dẫn đến nhiều khoảng trống trong quản lý.

Tính đến năm 2024, thị trường thuốc online tại Việt Nam đang đạt khoảng từ 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Vì vậy, Luật Dược hiện hành và Nghị định 54 hướng dẫn thi hành Luật Dược vẫn chưa quy định các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Để giải quyết được khoảng trống này, dự thảo Luật Dược đang sửa đổi đã đề cập đến vấn đề này và đã được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại nghị trường.

Thách thức trong việc quản lý mua bán thuốc online tại Việt Nam - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Dược đang sửa đổi đã đề cập đến việc mua bán thuốc online và đã được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

"Việc mua bán thuốc online đã trở thành một xu thế, không chỉ riêng ngành dược mà còn mở rộng ra nhiều ngành khác trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi phải có quy định quản lý chặt chẽ. Vì vậy, cần xây dựng luật cụ thể để thực sự kiểm soát hiệu quả việc buôn bán thuốc qua mạng. Bởi ngay cả những nhà thuốc truyền thống với mô hình bán hàng trực tiếp và có dược sĩ tư vấn cũng vẫn tồn tại nhiều vấn đề", Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Thách thức trong việc quản lý mua bán thuốc online tại Việt Nam - Ảnh 2.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về những bất cập trong việc mua bán thuốc qua sàn thương mại điện tử

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, mua sắm trực tuyến có lợi thế lớn về sự tiện lợi, người mua chỉ cần ngồi ở nhà và hàng hóa sẽ được giao đến tận nơi. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào may rủi. Đối với thuốc, người mua có nguy cơ gặp phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tại Mỹ đã có trường hợp khi mua thuốc online và mua phải thuốc giả để sử dụng, dẫn đến người sử dụng tử vong. Theo thống kê của các Tổ chức Y tế thế giới, tại các nước đang phát triển, thuốc bán trên hệ thống online, 75 – 80 % là thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Vì vậy, phải đảm bảo chất lượng thuốc và sử dụng thuốc đúng mục đích.

Thách thức trong việc quản lý mua bán thuốc online tại Việt Nam - Ảnh 3.

Chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, người dùng đã có thể dễ dàng đặt thuốc

"Hiện nay, việc mua bán thuốc trực tuyến đang diễn ra phổ biến. Vấn đề đặt ra là làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật, chứ không phải không quản được thì cấm. Với tư cách đại biểu Quốc hội khi nghiên cứu về luật, chúng tôi nhận thấy những quy định trong dự thảo luật lần này vẫn chưa đủ sức để quản lý hiệu quả. Có lẽ, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Tuy nhiên, việc quản lý mua bán thuốc trực tuyến và qua các sàn giao dịch điện tử vẫn đang là thách thức lớn đối với các quốc gia, bởi chưa quốc gia nào tự tin hoàn toàn quản lý được mặt hàng đặc biệt này", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhận định, cần có một lộ trình rõ ràng để triển khai quản lý việc mua bán thuốc trực tuyến. Trước hết, phải giáo dục ý thức sử dụng thuốc cho người dân và các công ty dược phẩm, các nhà thuốc. Việc xử phạt cũng cần phải khác biệt, đủ nghiêm để ngăn chặn tình trạng kinh doanh thuốc tự do, chạy theo lợi nhuận. Các quy định bổ sung trong Điều 42 về kinh doanh thuốc online còn quá sơ sài, chưa cụ thể và thiếu tính răn đe. Nếu chỉ dựa vào các Nghị định, Thông tư để xác định hình thức xử phạt và quy trách nhiệm khi phát hiện vi phạm, hiệu quả sẽ bị hạn chế.

"Tình trạng bán thuốc online cho thuốc kê đơn không thể tiếp diễn và phải tìm cách ngăn chặn. Đối với thuốc kê đơn, việc sử dụng bắt buộc phải có ý kiến của bác sĩ và cần nguồn gốc đơn thuốc rõ ràng. Việc giao dịch điện tử hay bán thuốc online sẽ không đảm bảo. Cần thiết lập một hệ thống quản lý chặt chẽ việc bán thuốc qua sàn thương mại điện tử thay vì thỏa hiệp hoàn toàn. Nếu chấp nhận để tình trạng này diễn ra tự do như đi chợ, siêu thị, sẽ không còn cần Luật Dược hay chuyên môn ngành dược và vai trò của bác sĩ sẽ bị xem nhẹ", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Thách thức trong việc quản lý mua bán thuốc online tại Việt Nam - Ảnh 4.

Rất nhiều loại thuốc được rao bán trên sàn thương mại điện tử, kể cả thuốc kê đơn

52.000, đó là con số website thương mại điện tử bán hàng và được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công thương phê duyệt, trong đó có 900 website có chữ cái đầu viết tắt là thuốc hoặc pharma. Những khó khăn của cơ quan quản lý đối với thuốc online đó là khó xác định chủ thể thực hành hành vi vi phạm, công ty sở hữu, công ty phân phối, chủ sở hữu của website, người quảng cáo. Ngoài ra, địa chỉ kinh doanh cũng không được xác định cụ thể, thường là địa chỉ ảo.

Thách thức trong việc quản lý mua bán thuốc online tại Việt Nam - Ảnh 5.

Có đến 52.000 website thương mại điện tử bán hàng, trong đó có 900 website có chữ cái đầu viết tắt là thuốc hoặc pharma

"Một trong những cách quản lý mà các quốc gia khác đang làm cũng tương đối hiệu quả đó là không chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra, bởi lực lượng này còn hạn chế, không thể quản lý hết được, đặc biệt là với môi trường online đòi hỏi phải theo dõi liên tục, thậm chí cần phải thử đóng vai khách hàng để phát hiện vi phạm. Vì vậy, cần phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp. Ở nhiều nước, vai trò của các hội nghề nghiệp như Dược sĩ đoàn rất quan trọng, bao gồm các dược sĩ kinh doanh nhà thuốc trong cùng địa bàn, thường liên kết với nhau để tăng cường tính tự quản và có quyền khi phát hiện vi phạm, có thể xử lý các nhà thuốc khác một cách thích đáng", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.

Việc mua bán thuốc online là thực tiễn đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nếu dùng công nghệ để số hóa những phương thức mua bán các loại hàng hóa đặc biệt này, chúng ta cũng phải dùng chính công nghệ để có thể kiểm soát được chất lượng. Các quốc gia ở trên thế giới đã khuyến cáo dùng chip để có thể theo dõi và kiểm soát chất lượng thuốc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Với sự tăng trưởng của ngành này, không còn cách nào khác là cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính sách để có thể sớm đưa vào quản lý và giảm thiểu tác hại đến người tiêu dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước