Thái Bình có trên 1.100 tàu, thuyền với hơn 3.400 lao động làm ăn trên biển. Sáng nay, sau khi nghe tin báo, dù đang khai thác trên biển, các tàu thuyền đều nhanh chóng về các bến neo đậu. Bộ Chỉ huy BĐBP Thái Bình chỉ đạo các đơn vị tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi ngư dân vào bờ tránh trú bão. Cùng với đó, Thái Bình cũng tập trung di dời gần 1.300 lao động đang ở trên các chòi canh ngao vào trong đất liền trước 18h hôm nay.
Thái Bình còn khoảng 2.000 ha lúa Xuân chưa thu hoạch. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình chỉ đạo khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích lúa Xuân trong ngày hôm nay. Cùng với đó, các công ty thủy lợi khẩn trương tiêu nước, hạ thấp mực nước trong hệ thống, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, mạ non, hoa màu, các khu vực trũng, thấp.
Trưa 12/6, trước diễn biến phức tạp của bão số 2, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành công điện khẩn yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tập trung triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mọi tình huống, diễn biến của cơn bão này.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện ven biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra; cấm tàu, thuyền ra khơi từ 12h ngày 12/6; tổ chức lực lượng kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi thủy sản, nhân dân ở vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn trước 16h cùng ngày.
Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định tổ chức lực lượng cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà, các công trình công cộng, đảm bảo an toàn các lồng, bè, trang trại nuôi thủy sản ở ven sông, ven biển; sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm ở vùng bãi thấp ven sông, cửa sông vào nơi an toàn...
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 12/6, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 2 trong mùa mưa bão năm nay, có tên quốc tế là Koguma.
Dự báo chiều đến tối nay, bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Sáng 13/6, bão sẽ đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh,thành khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ rồi suy yếu dần.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên: Phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Đông.
Ở Vịnh Bắc Bộ gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5 m; biển động rất mạnh.
Sáng mai, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Từ nay đến hết ngày 13/6, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa 80-150mm, có nơi trên 150mm. Trong đó, đồng bằng Bắc Bộ, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm. Cảnh báo dông lốc, sấm sét, gió giật, ngập úng. Riêng vùng núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!