Những thương vong và thiệt hại do hỏa hoạn xảy ra trong thời gian qua cho thấy, hỏa hoạn giờ đây chẳng khác nào là thảm họa. Nhưng nếu không may xảy ra, điều quan trọng nhất là làm sao để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản?
Trong Chuyển động chiều 3/11, nhóm phóng viên đã phản ánh về thực trạng xây dựng chung cư mini phục vụ nhu cầu thuê trọ cho công nhân tại các khu vực lân cận các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, với những dấu hiệu không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Bắc Giang đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để rà soát, phát hiện vi phạm đồng thời yêu cầu các chủ nhà trọ triển khai các giải pháp khắc phục. Nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì không phải cơ sở nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu.
Vốn được thiết kế với chức năng thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp nhưng chiếc thang tại một chung cư mini ở huyện Việt Yên trong video phóng sự phản ánh chẳng khác nào đánh đố người thuê nhà. Vì nếu sơ sẩy, nó sẽ trở thành cái bẫy, với rủi ro chẳng kém giặc lửa.
Những chiếc thang thoát nạn là phao cứu sinh trong tình huống xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, theo quy định Bộ Xây dựng thì không đủ tiêu chuẩn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trung tá Nguyễn Văn Chính, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho hay: "Thang này chủ nhà tự làm nguy hiểm, chưa đảm bảo yêu cầu. Bậc thang khoảng 20cm, đi có thể trượt chân".
Ông Trần Thế Quang, chủ nhà trọ ở thôn My Điền, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nói: "Trong tình huống khẩn cấp có thể thoát nạn được, còn an toàn hay không thì chưa dám chắc".
Với tư duy có còn hơn không, thang thoát nạn của công trình nhà trọ bên cạnh cũng chẳng khác gì. Thậm chí, mức độ mạo hiểm còn cao hơn. Vì muốn thoát nạn, người thuê trọ phải chui vào lồng sắt rồi đu mình bám vào chiếc thang đã được thiết kế theo chiều thẳng đứng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 cơ sở kinh doanh nhà trọ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Giang, các cơ sở này phần nhiều được xây dựng và đi vào hoạt động trước thời điểm Nghị định 136 có hiệu lực. Nghĩa là khi đó, nhà trọ chưa nằm trong diện đưa vào quản lý về phòng cháy chữa cháy.
Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Giang nhận định: "Tôi cho rằng khắc phục lối thoát nạn rất khó khăn. Một số cơ sở có điều kiện có thể khắc phục được. Nhưng có những cơ sở gặp khó vì diện tích xây dựng 100%. Loại hình thứ 2 không khắc phục được, khuyến cáo chủ trọ chuyển đổi mục đích kinh doanh sang việc khác".
Ông Lê Hoàng Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho rằng: "Cơ sở nào không khắc phục thì chúng tôi đình chỉ hoạt động".
Hoạt động kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở cho công nhân thuê trọ, sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bắt buộc phải làm. Sau những đợt kiểm tra, hàng loạt vi phạm phổ biến tại các công trình cho thuê trọ không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy; không có lối thoát nạn thứ 2 đã được chỉ ra. Nhưng giải pháp khắc phục như thế nào để mang lại hiệu quả thực chất, không phải là cách làm đối phó mới là bài toán cần lời giải đặt ra cho các cơ quan chức năng tại địa phương. Bởi một lần tặc lưỡi bỏ qua để những cơ sở vi phạm tồn tại có thể là một lần phải trả giá và đánh đổi bằng sinh mạng của nhiều người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!