Lễ giao nhận quân năm 2024 tại các địa phương diễn ra trong 3 ngày. (Ảnh: VGP)
Thực hiện Quyết định số 82/QĐ-TTg ngày 4/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ năm 2024; Quyết định số 5228/QĐ-BQP ngày 20/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao chỉ tiêu tuyển nhận công dân nhập ngũ năm 2024; Hướng dẫn 4267/BQP-TM ngày 6/11/2023 của Bộ Quốc phòng về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024, từ ngày 25 đến hết ngày 27/2/2024, thanh niên trên địa bàn cả nước sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự 2024.
Theo kế hoạch, Lễ giao nhận quân năm 2024 tại các địa phương diễn ra trong 3 ngày.
Ngày thứ nhất (25/2), 30 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức lễ giao nhận quân gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên (thuộc Quân khu 1); Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình (thuộc Quân khu 3); Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (thuộc Quân khu 5) và 4 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc (thuộc Quân khu 2).
7 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân trong ngày thứ hai (26/2), gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế thuộc Quân khu 4 và các quận, huyện Hà Nội thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Ngày thứ ba (27/2), 26 tỉnh, thành phố tổ chức lễ giao nhận quân, cụ thể là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng (thuộc Quân khu 7); Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau (thuộc Quân khu 9) và 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La (thuộc Quân khu 2).
Để chuẩn bị cho tốt công tác tuyển quân, đến thời điểm này các địa phương giao quân và đơn vị nhận quân đã thường xuyên trao đổi phối hợp, hiệp đồng và tổ chức thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng và an toàn tuyệt đối. Các đơn vị nhận quân đã xây dựng kế hoạch, phương án tiếp nhận, vận chuyển tân binh về đơn vị; chuẩn bị chu đáo nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cho bộ đội ngay từ ngày đầu về đơn vị.
Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân. Hoạt động tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy trình, quy định trong công tác tuyển quân.
Cơ quan quân sự địa phương, nhất là cấp huyện phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, cơ quan chủ trì phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; tăng cường các biện pháp, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng công dân trong diện sẵn sàng nhập ngũ năm 2024.
Căn cứ Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; Có trình độ văn hóa phù hợp.
Theo quy định, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế; bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân; hhọc tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.
Cùng với đó, hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!