Dịch COVID-19 tại thành phố đang có dấu hiệu chững lại nhưng không vì thế mà chủ quan, nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức ngày 7/6.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố là địa phương có số ca mắc đứng thứ 4 cả nước, dự báo vẫn ghi nhận ca mắc rải rác từ chùm ca bệnh trong khu cách ly và cộng đồng do các biện pháp tầm soát diện rộng được đẩy mạnh. Do đó, các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chốt chặn cách ly trên địa bàn; đánh giá lại các biện pháp triển khai giãn cách xã hội, nếu cần thiết thực hiện biện pháp mạnh hơn nữa để sớm dập dịch.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, các cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng dịch tại công sở. Cán bộ, công chức không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp khách có thư mời. Mỗi cơ quan dự họp chú ý thành phần tham dự.
Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khai báo y tế bắt buộc đối với người làm công tác vận tải hàng hóa, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh trong nhà máy, xí nghiệp, xử phạt nghiêm người không khai báo hoặc khai báo không trung thực. Tại khu vực có nguy cơ cao như chợ truyền thống và chợ đầu mối, địa phương cần bố trí chốt kiểm soát y tế, khuyến khích người dân thực hiện thông điệp 5K.
Thành phố đặt mục tiêu lấy mẫu trong 8 giờ đối với khu vực có ca mắc... Trong tuần này, thành phố tập trung lấy mẫu cho đối tượng ưu tiên làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (tổng cộng khoảng hơn 320.000 người).
Với người dân có bệnh lý nền như ung thư, suy thận..., ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, người dân cần ở nhà toàn thời gian, chỉ ra ngoài khi đến cơ sở y tế và mua lương thực, thực phẩm. Người dân có dấu hiệu ho, sốt, khó thở chủ động liên hệ cơ sở y tế để xét nghiệm tầm soát.
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, vừa qua, một số tỉnh xung quanh đưa ra chủ trương cách ly kiểm soát chưa phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh ngay sau đó. Từ sự việc này, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố khi đưa ra thông điệp, chỉ đạo về cách ly, kiểm soát phải thận trọng, cân nhắc để không làm ảnh hưởng tới người dân khi không cần thiết.
Hiện số lượng người cách ly cao, dù các địa phương đã chuẩn bị nhưng có nơi đã sử dụng 70-80% công suất. Do vậy, thành phố cần chuẩn bị số giường cách ly lên thêm 30-40% để không bị động; tính toán hình thức cách ly phù hợp, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo.
Công tác chuyên môn của nhân viên chống dịch tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: NLĐ)
Dịch COVID-19 đã lây lan đến nhiều bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây là những môi trường lây lan nhanh nên thành phố phải tìm chuyên gia có kinh nghiệm điều trị dịch ở phòng kín, máy lạnh để đưa ra giải pháp hữu hiệu, kịp thời. Bên cạnh đó, thành phố cần thực hiện điều tra, truy vết, giám sát sàng lọc chính xác từng người cụ thể, không để tốn thời gian truy tìm, nhận định nhiều hướng.
Mặt khác, hiện nay, từng khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp, công ty đều phải bổ sung phương án, kế hoạch sản xuất an toàn. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp kiểm tra, chia sẻ để các đơn vị này yên tâm sản xuất an toàn, đồng thời lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do giãn cách...
Trước thông tin một cán bộ Công an dương tính với SARS-CoV-2, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch phải luôn đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao như thời gian vừa qua.
Về việc tiêm vaccine cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại thành phố, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá tương đối tốt, hiện có khoảng 140.000 người đã được tiêm vaccine. Ông Nguyễn Văn Nên thông tin, vaccine Việt Nam sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thử nghiệm bước 3. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến trong quý III sẽ có nguồn vaccine nội.
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo nhằm mục tiêu tiêm phòng cho toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 7/6, thành phố có 640 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 433 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, 207 trường hợp nhập cảnh, 268 trường hợp điều trị khỏi, một bệnh nhân tử vong (bệnh nhân 5463). Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 371 bệnh nhân dương tính mới.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 3 bệnh nhân COVID-19, một người từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang và 2 người từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long An. Hiện cả 3 bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!