Thấp thỏm nỗi lo mùa sạt lở

Minh Quang – Đức Dương-Thứ ba, ngày 21/06/2022 11:08 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Miền Tây Nam Bộ khi mùa mưa đến, những người nông dân trú ngụ dọc theo những con sông, ngoài nỗi lo cơm áo họ còn phải đối diện với nỗi lo mùa sạt lở.

Mùa mưa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ cuối tháng 5 cho đến gần hết tháng 10 hàng năm. Mùa mưa đến cũng là lúc tình trạng sạt lở đất xuất hiện kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân.

Theo số liệu từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chỉ trong 3 tháng qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hàng trăm vụ sạt lở đất lớn nhỏ làm sập trên 50 căn nhà, nhiều km đường liên thôn liên xóm bị sụt lún cần phải được sữa chữa. Trong đó chỉ riêng tại tỉnh Cà Mau đã diễn ra 35 vụ sạt lở làm thiệt hại 23 căn nhà bị chìm trong dòng nước.

Theo những người dân, nguyên nhân của những vụ sạt lở là do mùa khô con nước cạn đất hai bên bờ khô hạn đến khi mùa mưa đến nước dâng cao cũng là lúc nền đất nở ra kéo theo hiện tượng đứt gãy sụt lún.

Thời gian gần đây, hiện tượng này ngày càng nhiều do mùa khô nước từ đầu nguồn đổ về ngày càng ít mực nước tại các dòng sông, kênh rạch ngày càng xuống thấp đến mùa mưa nước lên thì hiện tượng sụt lún sạt lở đất diễn ra và ngày càng gia tăng.

Thấp thỏm nỗi lo mùa sạt lở - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Sống trong sợ hãi vì nguy cơ sạt lở

Những người dân ở ấp Sẻo Sao, xã Long Hải, huyện Năm Căn, Cà Mau cho biết, con kênh này trước đây chỉ rộng chừng 5m nhưng hiện nay đã rộng trên 20m và tình trạng sạt lở tại ấp Sẻo Sao hết sức phức tạp. Mới tuần rồi, nhà của cô Tư đã bị sạt xuống kênh.

"Thứ Bảy tuần rồi, dì nghe rầm rầm mới chạy qua kêu nhỏ con gái xuống thì nó sụt mất tiêu. Xoong, nồi mất hết, nó sụt hổng hay mà. Sụt thì sụt cũng phải ở chứ đi đâu giờ, hai vợ chồng làm thuê làm mướn ở Bình Dương được trăm mấy mượn thêm 5 cây vàng tới giờ chưa trả nổi" - bà Nguyễn Thị Tiên - ấp Sẻo Sao, xã Long Hải, huyện Năm Căn, Cà Mau cho hay.

Đã gần tuần nay sau ngày một phần căn nhà bị sạt xuống kênh, chị Nguyễn Thị Hạnh con gái dì Tư Tiên vẫn đi loanh quanh phía sau nhà cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại để vá víu sửa chữa lại một phần căn nhà còn sót lại giờ mang trên mình những đường nứt ngang dọc do nền nhà vẫn chưa hết lún.

Chỉ trong vòng 3 tháng, huyện Năm Căn xảy ra bốn vụ sạt lở cuốn trôi sông 4 căn nhà, rất may là không có thiệt hại về người. Kinh phí có hạn nên chính quyền địa phương cũng chỉ thăm hỏi là chính.

Theo ông Nguyễn Đức Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, Cà Mau: "Trước mắt, địa phương cũng đã cho cắm những biển báo những chỗ có nguy cơ sạt lở, huyện cũng đã tìm những nguồn vốn và đề xuất TW hỗ trợ nhưng cho đến nay thì vẫn chưa có vì thực tế làm những bờ kè này kinh phí rất cao".

Mới vài cơn mưa đầu mùa nhưng nước trên dòng kênh Sẻo Sao đã mấp mé bờ kênh sắp ngập những bờ đất khô nứt nẻ. Mùa mưa chỉ mới bắt đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long phải đến tháng 9 cuối năm người nông dân mới đỡ lo vì sạt lở.

Qua câu chuyện sạt lở mới nhất tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã cho chúng ta thấy phần nào những khó khăn của nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa mưa năm nay. Cà Mau, Cần Thơ, An Giang… với kinh phí nhiều tỷ đồng vẫn đang chạy đua với thời tiết bằng những công trình chống sạt lở nhưng xem ra khó khăn vẫn còn nhiều khi mà biến đổi khí hậu, cạnh tranh nguồn nước từ phía đầu nguồn sông Cửu Long trong mùa khô ngày càng khốc liệt. Một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở phía hạ nguồn trong mùa mưa lũ.

Chạy đua với thời tiết

Cửa sông Cái Lớn huyện Năm Căn, những dấu vết của những vụ sạt lở vẫn còn. Phía bờ phải là công trình chống sạt đang tạm dừng vì nước lên và vì trời mưa. Cửa sông đôi bờ loang lổ vì sạt lở và cả những công trình đang thi công dang dở.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Cà Mau - cho biết: "Cái khó khăn ở đây là vào thời gian mưa bão, vấn đề tập kết vật tư huy động nguồn lực con người cho công tác sạt lở cực kỳ khó khăn, có khi chúng tôi phải huy động cả lực lượng dân quân công an, bộ đội biên phòng".

Còn tại Cần Thơ, từ sau vụ sạt lở trên bờ sông Ô Môn trong tháng 3 4 căn nhà mất hút dưới lòng sông thì người dân tại khu vực này ai cũng lo lắng không biết khi nào thì đến lượt nhà mình.

Thấp thỏm nỗi lo mùa sạt lở - Ảnh 2.

Khu vực diễn ra sạt lở làm 4 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông. Ảnh: VOV.

Thành phố Cần Thơ là một trong hai địa phương tại các tỉnh miền Tây có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở sau tỉnh Cà Mau với 23 điểm. Ngành chức năng Thành phố Cần Thơ cũng đang khẩn trương xây dựng 4 tuyến kè với kinh phí 600 tỷ đồng để gấp rút hoàn thành trong năm 2023.

Ông Nguyễn Quý Ninh - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Thành phố Cần Thơ - cho hay: "Thành phố Cần Thơ phối hợp chặt với địa phương trong khâu tuyên truyền, đo đạc, giải phóng mặt bằng bởi các khâu này mà chậm thì ảnh hưởng đến tiến độ".

Chạy đua với thời tiết, những công trình chống sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang khẩn trương thi công khi mùa sạt lở năm nay chỉ mới bắt đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước