Thi hành án dân sự vẫn còn nhiều khó khăn

Nguyễn Trung - Chí Hiếu (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 15/01/2016 16:46 GMT+7

VTV.vn -Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực từ 1/7/2015, nhưng công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng qua vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhiều bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa thi hành được, thậm chí hoãn đi hoãn lại nhiều lần gây thiệt thòi cho người được thi hành án. Vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Công ty TNHH Thanh Phát với Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi tại tỉnh Bình Định là một ví dụ điển hình.

Theo đó, tháng 9/2013, Công ty TNHH Thanh Phát khởi kiện Doanh nghiệp Phú Lợi vi phạm hợp đồng kinh tế vì đã nhận trên 13 tỷ đồng tiền ứng trước, nhưng chưa giao 3.000 tấn sắn và cũng không hoàn trả lại tiền. Sau 2 lần xét xử, bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định đã buộc chủ Doanh nghiệp Phú Lợi phải trả cho công ty Thanh Phát trên 19 tỷ đồng.

Tháng 5/2015, Tòa Kinh tế -Tòa án Nhân dân tối cao đã mở phiên tòa và ra quyết định của Giám đốc thẩm hủy một phần về phạt đối với nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Các quyết định khác của bản án phúc thẩm không bị hủy tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Trong khi bản án đang được thi hành án, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao lại có kháng nghị hoãn thi hành án lần thứ 3. Vì vậy, việc thi hành án phải tạm dừng chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện và phải chờ phán quyết mới của Hội đồng Thẩm phán tối cao. Đây là một trong nhiều vụ án dân sự đã bị hoãn thi hành án nhiều lần.

Tình trạng bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành được, diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm nay. Việc bản án dân sự đã có hiệu lực phải được thi hành không chỉ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án và góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước