Cầu Mỹ Thuận 2 kết nối với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: NLD
Lễ khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ diễn ra đồng thời cùng với 3 dự án giao thông khác là Dự án cầu Mỹ Thuận 2; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 và Bộ GTVT phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2020.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Cao tốc được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 90km/h.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự lễ khánh thành cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ giai đoạn 1 - Ảnh VGP/Hải Minh
Dù quá trình triển khai từ tháng 2/2021 đến nay gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, diễn biến thời tiết bất thường, địa chất nền đất yếu đặc trưng của khu vực Tây Nam Bộ (thời gian chờ lún từ 12-16 tháng), giá cả nguyên vật liệu biến động lớn, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khó đến đâu gỡ đến đó, khó đâu gỡ đó, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, dự án cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông được lưu thông trên toàn tuyến vào ngày mai 25/12.
Chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện đường gom, các nhánh nút bảo đảm hoàn thành toàn bộ dự án theo đúng hồ sơ thiết kế để đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư trước Tết Âm lịch 2024.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120 km.
Việc đưa vào khai thác hai dự án trên kết hợp với các tuyến cao tốc Hồ Chí Minh-Trung Lương- Mỹ Thuận đến Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay.
Hai dự án cũng góp phần dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ nói riêng.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UNND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết.
Hai dự án cũng sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư,… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian tới, khi các dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với các dự án này, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của tỉnh Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Tỉnh sẽ tập trung ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc và từng bước hình thành, phát triển 2 hành lang kinh tế dọc sông Hậu và sông Tiền.
Bốn dự án giao thông khánh thành hôm nay nâng tổng số dự án giao thông khánh thành từ đầu năm đến nay lên 9 dự án.
Đến nay, cả nước có 1.892 km cao tốc, dự kiến sẽ được nâng lên 3.000km vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!