Chủ động phòng, chống rét và thời tiết cực đoan

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 12/12/2021 05:59 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

VTV.vn - Người dân cần chủ động đề phòng sương muối, băng giá có thể diễn ra trong các tháng 1-2/2022.

Tối 11/12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chủ động phòng chống rét và thời tiết cực đoan" với sự tham gia của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh; Phó Trưởng phòng Phòng Dự báo khí hậu thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hoà.

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, mùa Đông năm 2021 đến sớm, tháng 11 đã xuất hiện thời tiết rét ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là đợt rét đậm, rét hại tại các khu vực miền núi phía Bắc từ ngày 2-8/12/2021. Tuy mùa Đông năm 2021 không khắc nghiệt như mùa Đông năm 2020, hiện tượng mưa tuyết ít có khả năng xảy ra song người dân cần chủ động đề phòng sương muối, băng giá có thể diễn ra trong các tháng 1-2/2022. Đề cập đến hình thái thời tiết dịp Noel và Tết Dương lịch, ông Hoà cho rằng Bắc Bộ sẽ rét về đêm và sáng sớm, vùng núi và vùng núi cao có khả năng rét đậm, rét hại; khu vực Trung Bộ có mưa nhỏ; Tây Nguyên và Nam Bộ ít mưa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, hiện nay trong nhận thức của người dân đối với công tác phòng chống rét, đặc biệt là rét đậm, rét hại có sự chủ động hơn do các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đã có những bản tin hướng dẫn cộng đồng phòng tránh rét. Người dân đã theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo… chủ động mặc quần áo ấm (nhất là người già và trẻ em); ăn uống đúng cách đảm bảo sức khỏe; phòng chống rét vật nuôi; chủ động che chắn chuồng trại, không thả rông trâu bò trong ngày rét đậm, rét hại; chủ động tiêm chủng cho vật nuôi; đảm bảo thức ăn dinh dưỡng, nước uống cho đàn gia súc; chủ động che chắn, ngăn rét, sương muối; trồng cây phù hợp theo mùa...

Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022. Cụ thể, ngay từ đầu mùa Đông năm 2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 115/QGPCTT ngày 8/11/2011 về việc chủ động phòng chống rét đậm, rét hại mùa Đông 2021 - 2022 gửi các các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các bộ, ngành liên quan và các cơ quan báo chí về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các đợt rét đậm rét hại mùa đông năm 2021 - 2022.

Theo đó, qua các đợt không khí lạnh tăng cường từ đầu mùa, Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có 5 văn bản thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền chủ động ứng phó với rét. Cùng với đó, đầu năm 2021 Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức một đoàn công tác do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn; 2 đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi kiểm tra về công tác phòng, chống rét đậm, rét hại trên địa bàn 7 tỉnh miền núi phía Bắc; các đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tổ chức các đoàn công tác hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Ngày 12/01/2021, Văn phòng thường trực tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các biện pháp chống rét, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 7055/BNN-CN ngày 27/10/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên về việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi trong vụ Đông-Xuân 2021-2022.

Các cơ quan thông tấn báo chí đã phối hợp tuyên truyền tới cộng đồng để chủ động phòng chống rét, rét đậm rét hại; trên trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai và Zalo, webside của Ban Chỉ đạo đã có những bài viết về dự báo, cảnh báo, kèm tài liệu hướng dẫn người dân có thêm những kiến thức chủ động trong phòng, chống …

Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng chống rét như: giữ ấm, nhất là người già, trẻ nhỏ; đảm bảo cung cấp dinh dưỡng, thể dục, sinh hoạt lành mạnh; lưu ý khi lao động ngoài trời; hạn chế sưởi bằng than, cẩn trọng khi sưởi ấm bằng củi, lửa; lưu ý công tác phòng chống dịch COVID-19.

"Tùy theo tình hình dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như diễn biến thực tế của thời tiết, Ban Chỉ đạo sẽ cử các Đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền và người dân chủ động các biện pháp ứng phó với rét, tương tự như đợt rét đậm rét hại đầu năm 2021. Người dân cần lưu ý đến việc sưởi ấm bằng than trong nhà, điều này rất nguy hiểm thậm chí gây tử vong cho người", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến lưu ý.

Ông Tiến nêu rõ, các đợt rét đến khi tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, vì vậy các bộ, ngành, địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo rét đậm rét hại, thời tiết cực đoan trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, các cơ quan chức năng, chuyên môn; chủ động tìm hiểu và làm theo các tài liệu hướng dẫn, khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và cơ quan phòng chống thiên tai các cấp…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh thông tin, trên cơ sở dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông quốc gia có sự chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền cho nhân dân phòng chống rét hại cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu thiệt hại, trong đó ngành khuyến nông đã tổ chức các lớp tập huấn cho nhân dân các biện pháp phòng rét như che phủ ni lông, rửa sương cho cây trồng, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ và trả lời các câu hỏi của độc giả về các vấn đề liên quan đến tình hình mùa Đông năm 2021-2022 và các giải pháp ứng phó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước