Những ngày qua, Hà Nội bước vào đợt nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, thời tiết khô nóng dẫn đến nguy cơ cháy nổ rình rập.
Cuối tháng 3, một vụ cháy lớn đã thiêu rụi căn nhà 4 tầng tại phố Hồ Đắc Di (quận Đống Đa); 3 cửa hàng kinh doanh đồ điện, tạp hóa tại quận Hà Đông cũng bị "bà hỏa" ghé thăm và thiêu rụi nhiều tài sản. Trong tháng 4 vừa qua, căn nhà 3 tầng nằm tại làng Hậu (Cầu Giấy) cũng xảy ra vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hại tiền của.
Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) trong quý I/2020 cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 563 vụ cháy, khiến 20 người chết, 34 người bị thương. Hỏa hoạn hầu hết xảy ra tại nhà dân nằm sâu trong khu dân cư, với 282 vụ (chiếm 50%). Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do chập điện với 375 vụ, chiếm gần 70% số vụ, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài số vụ cháy nêu trên, trong quý I/2020, toàn thành phố cũng xảy ra 707 vụ chập điện trên cột, 899 sự cố chập điện trong nhà…
Có thể thấy, phần lớn nguy nhân các vụ cháy đều là do sử dụng điện không an toàn, có thể nêu ra một số nguyên nhân làm gia tăng các vụ cháy như: Người dân tự ý câu mắc dây dẫn điện, sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế gây quá tải, thiết bị điện chưa được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, chất lượng hệ thống dây dẫn điện lưới không đảm bảo vì cũ nát hoặc do những tác động ngoại lực như mưa bão. Ngoài ra, những nguyên nhân khác khá phổ biến như thiết bị bảo vệ cầu giao aptomat không được thay thế mới, chất lượng kém nên dễ bắn ra tia lửa, dễ chập cháy, hoặc do ý thức sử dụng điện năng của người dân kém khiến quá tải đường điện...
Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo, vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ do sự cố điện rất cao vì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát và phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng mạnh nên càng dễ xảy ra các trường hợp cháy nổ do chập điện tại trạm điện, bốt điện và nhà dân.
Để hạn chế tình trạng này, các hộ gia đình khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện cần phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC, không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra.
Các gia đình cũng phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm.
Ngoài ra, ngành điện cần tập trung hơn nữa đầu tư thiết bị công nghệ mới, thường xuyên kiểm tra thay thế hệ thống dây dẫn điện lưới để bảo đảm về mặt kỹ thuật và đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa hệ thống dây dẫn.
Khi xảy ra cháy, nổ hoặc cần cứu nạn, cứu hộ, người dân cần tìm mọi cách báo cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn khi xảy ra đám cháy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!