Hình thái thời tiết này được cho là yếu tố gây kích ứng làm xuất hiện các đợt bùng phát hoặc tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp. Đặc biệt nguy hiểm với người bệnh mạn tính khi tốc độ chuyển biến nhanh, thậm chí chỉ sau 1 - 2 giờ đồng hồ đã dẫn đến mức độ nghiêm trọng. Do đó, đây đang là thời điểm gia tăng số lượng lớn bệnh nhân cần phải nhập viện do các bệnh hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Duy Toản - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết: "Bệnh nhân hô hấp tăng rất nhiều, đặc biệt thời gian trong ngày lạnh như là sáng sớm, đêm hay chiều tối thì bệnh nhân vào rất đông".
Không chỉ gây ra các bệnh hô hấp thông thường, nồm ẩm được cho là hình thái thời tiết đáng sợ và phải cẩn trọng hơn bao giờ hết đối với các bệnh nhân mắc bệnh hen hay phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đặc biệt ở người cao tuổi.
Bác sĩ Trần Thị Tâm - Khoa Truyền nhiễm, Đơn nguyên Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội nói: "Thời tiết này thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập, hệ miễn dịch của bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đã kém rồi bởi vì bệnh nhân phải dùng thuốc xịt lâu dài, thứ hai là tính phản ứng phế quản của người ta tăng hơn người bình thường nên chỉ cần tác nhân nhỏ người ta đã lên cơ khó thở rất nhiều rồi".
Bác sĩ Nguyễn Duy Toản - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết: "Các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh hen khi bắt đầu có biểu hiện khó thở tăng lên, ho tăng lên, đờm chuyển màu xanh dần thì nên đi khám ngay, những trường hợp đấy thường diễn biến nặng rất nhanh, khó có thể kiểm soát tại nhà và không có cơ hội chờ đợi ở nhà nhiều".
Theo các chuyên gia, để phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm, cần duy trì thói quen khử khuẩn, giữ ấm, giữ môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ, khô ráo. Nếu có dấu hiệu của ho sốt, cần được thăm khám, xử lý thích hợp, không nên trì hoãn nhằm ngăn chặn các biến chứng nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!