Câu chuyện về các đối tượng lừa đảo dùng "bẫy" cộng tác viên chốt đơn hàng "ảo" để hưởng hoa hồng khủng, sau đó chiếm đoạt tiền của các nạn nhân không phải là câu chuyện mới, nhưng hình thức thủ đoạn luôn biến đổi tinh vi, khiến cho vẫn có những nạn nhân mới tiếp tục rơi vào "bẫy" này.
Được một người bạn giới thiệu, người đàn ông đã tham gia mua đơn hàng "ảo" trên một trang website nước ngoài. Gọi là đơn hàng "ảo" vì anh mua hàng nhưng hàng sẽ không được chuyển đến mà anh chỉ cần chuyển tiền, ngày hôm sau sẽ nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng lên tới 20%, với mục đích tăng tương tác cho chủ shop.
Giao dịch đầu thì nhận bình thường. Giao dịch đầu ít tiền thì nhận được bình thườngnhưng những lần mua hàng "ảo" tiếp theo đều được thiết kế đơn hàng sau giá cao hơn đơn hàng trước, từ vài triệu rồi tới cả trăm triệu đồng 1 đơn hàng khiến cho anh cứ phải nạp tiền vào liên tục với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Người tham gia đơn hàng ''ảo'' cho biết: "Khi đơn hàng nhiều thì bắt buộc nạp vào nhiều hơn số nhận lại, số tiền nạp vào sẽ bị tăng, nó không đủ thời gian cho mình rút''.
Tâm lý muốn lấy lại tiền nên cứ phải vay mượn tiền để nạp tiền liên tục theo hướng dẫn của những kẻ lừa đảo, trường hợp khác cũng mất tới hơn 200 triệu đồng.
"Họ nói với em là đơn hàng cuối cùng này nội dung bị sai, hệ thống không cập nhật đã hoàn thành, yêu cầu em làm lại đơn đó. Lúc đấy em bị tâm lý là không muốn mất tiền nên em càng theo, gốc chồng gốc nên số tiền mới bị nhiều như vậy", cô gái tham gia đơn hàng ''ảo'' cho biết.
"Giăng bẫy" lần 1, vét hết sạch tiền của các nạn nhân, các đối tượng lừa đảo vẫn nhẫn tâm tiếp tục "giăng bẫy" lần 2. Đó là chiêu trò hứa hẹn nếu các nạn nhân muốn lấy lại tiền thì cần nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo Trung tá Lê Việt Trung, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội: ''Nhà đầu tư ham muốn rút tiền nên các đối tượng yêu cầu đóng thuế. Các nhà đầu tư lại đóng thuế để rút tiền ra. Nhưng sau khi đóng rồi thì đối tượng lại tạo ra lỗi chuyển tiền sai, yêu cầu phải đóng lại. Khi nhà đầu tư hết tiền mới biết mình bị lừa".
Màn "giăng bẫy" lần 2 nghe có vẻ khó tin nhưng người đàn ông vẫn mắc "bẫy". Sau khi anh chuyển 400 triệu đồng tiền thuế cho các đối tượng lừa đảo thì tài khoản của anh cũng bị đóng băng, các đối tượng lừa đảo cũng cắt liên lạc.
Chiêu trò "nạp tiền giật đơn hàng ảo" ăn hoa hồng hiện nay vẫn còn xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm cộng tác viên cho đơn vị nào thì cần tìm hiểu rõ về địa chỉ, pháp nhân của doanh nghiệp đó. Khi thấy có dấu hiệu bị lừa đảo cần ngưng chuyển thêm tiền, để tránh mất "cả chì lẫn chài" và nên báo ngay cho cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!