Nỗi bất an của công nhân môi trường khi thu gom rác ca đêm
Câu chuyện về đời sống cơ cực và những khó khăn vất vả của các công nhân vệ sinh môi trường đã từng được phản ánh liên tiếp trong các Tiêu điểm của Chuyển động 24h cách đây hơn 1 tháng.
Những công nhân bị nợ lương ở Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân giờ đã chuyển sang làm việc ở công ty mới. Dù đã được doanh nghiệp trả lương đúng hẹn với các chế độ phụ cấp độc hại theo quy định nhưng tính chất công việc vẫn vậy. Với những người lao động thường xuyên làm việc ca đêm thì luôn cảm thấy bất an, lo lắng, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
23h tại đường Sa Đôi, Phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm không một bóng người. Khi người dân đều ở trong nhà để chống dịch, những công nhân môi trường như chị Trâm lại phải lao ra đường để dọn rác.
Bắt đầu từ 22h, ca làm việc của chị thường kết thúc lúc 4h - 5h ngày hôm sau. Nhưng có một đêm không suôn sẻ vì đi làm… gặp cướp. Trong tiếng van xin tuyệt vọng, chị Trâm vẫn bị cướp đi chiếc xe máy, một tài sản đáng giá nhất của mình.
Chị kể lại mình chỉ biết gào khóc rồi van xin xem chúng có thương tình trả lại chiếc xe cho tôi đỡ khổ nhưng chúng cứ vô tình giật xe rồi đi thẳng.
Trước đó 3 ngày, chị Lân, cùng tổ dọn rác với chị Trâm, cũng bị mất trộm xe máy trong lúc đi làm ca đêm.
Thời điểm này, thành phố đang giãn cách chống dịch nhưng rác hàng ngày vẫn phải dọn. Ngoài đường, trong ngõ, rác ở đâu thì những công nhân môi trường có mặt ở đó. Ở những nơi không có đèn đường, thứ giúp nhận ra họ là đèn pin và vạch phản quang trên lưng áo bảo hộ.
Sau hơn 2 ngày gây án, Khánh - đối tượng chủ mưu cùng đồng bọn trong vụ cướp đã bị cơ quan công an bắt giữ. Qua lời khai, Khánh nói thấy chị Trâm van khóc nhưng quyết tâm… lấy bằng được.
Tại cơ quan công an, Bùi Quý Dương - đối tượng cùng nhóm cướp xe của chị Trâm nói: "Em thấy bản thân quá tàn nhẫn với những người lao động công ích cho xã hội của mình. Lao động cực khổ nhưng bọn em đã cướp đi thứ duy nhất có thể tạo ra thu nhập cho gia đình họ".
Vậy là khi đối mặt với tù tội, thanh niên này mới nhận ra lòng tham và sự tàn nhẫn của mình khi đã đi ăn cướp của cả những người nghèo khó trong xã hội.
Còn với chị Trâm, ở hiền sẽ gặp lành. Sau khi bị cướp mất xe, chị đã được các tấm lòng hảo tâm tặng cho 4 xe khác nhưng chị không giữ lại cho riêng mình mà tặng lại cho một số người khác.
Sau những gì đã xảy ra, Công an quận Nam Từ Liêm đang lên kế hoạch để đảm bảo an toàn cho những công nhân môi trường phải thường xuyên làm việc vào buổi đêm.
Vì mưu sinh và duy trì cuộc sống, sau vụ cướp, hàng đêm, chị Trâm và những công nhân môi trường vẫn làm công việc quen thuộc của mình để dọn sạch rác trong mọi ngõ ngách của thành phố.
Cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân vệ sinh môi trường
Ngoài nỗi lo sợ, bất an khi làm ca đêm, trong dịch bệnh COVID-19, những người lao động thu gom rác thải còn có một nỗi lo khác là dịch bệnh. Nhất là khi hiện nay, họ chưa nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine vì công nhân vệ sinh môi trường chưa được coi là lực lượng tuyến đầu trong công tác chống dịch, dù thường xuyên có mặt tại mọi điểm nóng của dịch như bệnh viện, khu cách ly hay những nơi bị phong tỏa… để thu gom rác.
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: "Những công nhân làm công tác vệ sinh cần được xem xét vì không chỉ tiếp xúc với người có khả năng lây bệnh mà cả những bệnh phẩm được thải ra từ cơ sở y tế cũng có thể lây bệnh nên họ xứng đáng là lực lượng tuyến đầu đưa vào để tiêm vaccine".
Ông Tống Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường Urenco 13 có ý kiến: "Rất mong muốn được các cơ quan chức năng, chính quyền quan tâm để cho những người công nhân của chúng tôi được xem như là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh để được tiêm vaccine càng sớm càng tốt".
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 từ việc thu gom rác thải
Mong muốn được ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ của những người lao động làm nghề thu gom rác thải là điều cần thiết và chính đáng lúc này để họ yên tâm làm việc. Bởi một ngày, nếu rác không được dọn thì điều gì sẽ xảy ra, chắc ai cũng đã hình dung ra được.
Theo tính toán của riêng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, hiện mới chỉ có 10% trên tổng số hơn 5.000 công nhân của tổng công ty được tiêm vaccine lần đầu. Trong khi để đảm bảo xử lý rác thải kịp thời trong mùa dịch, họ vẫn hàng ngày có mặt ở khắp mọi nơi như những chiến binh thầm lặng làm công việc dọn rác trong mùa dịch…
Tại tòa nhà 185 Giảng Võ, bên trong những thùng chứa là đủ thứ rác thải của hơn 200 người hiện đang cách ly tập trung.
Anh Nguyễn Văn Lộc, nhân viên Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 chia sẻ: "Dù mặc quần áo bảo hộ đầy đủ nhưng mà trong thâm tâm vẫn rất sợ, khử khuẩn rồi nhưng có lây vào mình hay không thì không thể biết rõ được".
Bởi chỉ trong một ngày, riêng anh Lộc phải thu gom hơn 1 tấn rác thải nguy hại từ gần 10 địa điểm đang cách ly tập trung như thế. Hiện tại, khối lượng việc của các công nhân thu gom rác thải gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường trước kia.
Hà Nội đang trải qua những ngày cao điểm của dịch bệnh, khi số ca nhiễm mới vẫn chưa dừng lại. Thêm người bệnh cũng đồng nghĩa số lượng rác cũng gia tăng thêm bấy nhiêu.
Để xử lý 3 tấn rác thải nguy hại phát sinh từ các khu cách ly tập trung mỗi ngày, doanh nghiệp giờ phải tăng ca và huy động thêm cả phương tiện vì mọi phế thải tại đây nếu không được vận chuyển, xử lý kịp thời sẽ là mầm bệnh đối với cả cộng đồng.
Thường xuyên giáp mặt với rác, trong thời gian hơn 10 tiếng một ngày, nguy cơ lây nhiễm không chỉ đến từ trong khâu thu gom mà còn tiềm ẩn ngay trong quá trình xử lý. Bởi trước khi đưa rác vào lò hấp, mọi công đoạn vẫn cần đến bàn tay của những người lao động đang làm việc trực tiếp tại khu xưởng này.
Dù không phải dọn rác trong các khu cách ly nhưng với những người thu gom rác thải sinh hoạt như ông Đoàn ở Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, nỗi lo dịch bệnh lúc nào cũng thường trực vì biết trong rác có cái gì đâu, nếu tòa nhà thông báo có F0 thì mới biết nên theo ông, nếu được tiêm thì sẽ yên tâm hơn.
Sau ca làm việc buổi đêm, chị Chiên vội trở về nhà ở xã Hiệp Thuận, Huyện Phúc Thọ, nhưng gần như chị không dám đi đâu vì vừa thu gom rác thải ở nội thành.
Với những công nhân môi trường, ngoài nỗi lo bản thân mắc dịch, họ có một nỗi lo khác còn lớn hơn - nếu không may sẽ trở thành người lây nhiễm dịch bệnh cho cả nhà… Nếu nói công việc của họ là sự hi sinh thì không sai nhưng ở một góc nhìn khác, có vẻ như chưa đúng. Vì đi thu gom rác thải trong lúc dịch bệnh thế này, với họ, đây là một việc làm để kiếm kế sinh nhai, trước khi nghĩ đến những điều khác lớn lao hơn!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!