Như một nét văn hóa có từ lâu đời, mỗi dịp năm mới đến, trẻ con háo hức vì được nhận những phong bao lì xì mang thông điệp của sự may mắn, bình an. Tuy nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ có thói quen giữ tiền lì xì của con vì sợ con cái chi tiêu không kiểm soát, dễ sa đà vào những thói hư tật xấu. Và khi xuất hiện thông tin từ Tết Nguyên đán năm nay, nếu cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, nhiều bậc phụ huynh có chút bối rối.
Phong bao lì xì mang thông điệp của sự may mắn, bình an.
Theo quy định, tiền lì xì được coi là tài sản riêng của trẻ và việc quản lý tài sản này như thế nào phụ thuộc vào độ tuổi của con. Trẻ em dưới 6 tuổi, tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng tiền lì xì đó phải phục vụ nhu cầu của trẻ em.
Trẻ em từ 6 - 15 tuổi có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình.
Trẻ em từ 15 tuổi trở lên hoàn toàn có quyền cầm giữ toàn bộ số tiền mừng tuổi và có toàn quyền chi tiêu số tiền này mà không phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trẻ em đã tự nguyện đưa tiền lì xì cho ba mẹ giữ mặc dù đã đủ tuổi để tự quản lý.
Hiện nay, tổng số tiền lì xì của trẻ em có thể từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng. Bởi vậy, việc trau dồi kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ từ khi còn nhỏ là điều cần thiết ở mỗi gia đình, góp phần định hướng con sử dụng tiền lì xì đúng mục đích và hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!