Việc người dân tự sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán hoặc làm bãi giữ xe đã diễn ra từ nhiều năm nay tại TP Hồ Chí Minh. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến về dự thảo đề án "Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn", nhằm tạo ra nguồn thu cho ngân sách và người dân hoặc doanh nghiệp sẽ được phép khai thác sử dụng lòng đường vỉa hè theo quy định. Vậy việc thu phí diễn ra như thế nào và làm thế nào để khai thác hiệu quả việc thu phí lòng đường vỉa hè?
Anh Vương là người làm kinh doanh buôn bán thùng carton hơn chục năm nay tại mặt đường Nguyễn Du, Quận 1. Thỉnh thoảng, anh bị cơ quan chức năng lập biên bản, bị phạt và phải thu dọn đồ đạc vào trong nhà. Khi biết thành phố dự kiến thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, anh ủng hộ việc thu phí để yên tâm kinh doanh, nhưng theo anh mức thu không nên quá cao, khoảng 50.000/m2/tháng là phù hợp.
Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh ở khu vực trung tâm có thể thu mức phí từ 50.000 - 100.000 đồng/m2; nếu sử dụng để trông giữ xe, mức thu cao hơn, từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Theo Sở GTVT thành phố, việc thu phí bãi giữ xe cao hơn việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường là nhằm hạn chế người dân gửi xe ở khu vực trung tâm, giúp giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng.
Theo nhiều người dân, việc thu phí cũng nên triển khai nhưng cân nhắc một số tuyến đường, tránh tình trạng xe đậu tràn lan các tuyến phố gây ách tắc giao thông.
Từ năm 2018 đến năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thu phí đỗ xe tại 23 tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, tổng số thu là 8,5 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh hiện có trên 4.800 tuyến đường rộng từ 5m trở lên. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường dự kiến đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!