Những người dân bắt đầu một ngày làm việc với “núi nhựa” và kết thúc bằng những “bãi nhựa” ngổn ngang (Ảnh: Minh Toàn)
Khoảng 40-50 năm trở lại đây, người dân thôn Xà Cầu đổ xô nhau đi làm nghề phân loại, tái chế nhựa, biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thông trở thành "thủ phủ" phế liệu" lớn nhất Hà Nội.
Rác thải bủa vây
Với nhiều người, rác thải nhựa chỉ là những đồ bỏ đi. Nhưng với nhiều người Xà Cầu, phế liệu lại là... tiền, là nguồn sống vì thế, "nguồn sống" luôn hiện diện trước mắt người dân ở đây. Không khó để tìm thấy nhựa ở Xà Cầu, bởi phế liệu ở đây xuất hiện từ trên đoạn đường quốc lộ 21B, được chất đống khắp mọi nơi dọc đường vào làng. Không chỉ ở xưởng mà ở trước cửa nhà, ở ruộng, ở chợ thậm chí cả ở nghĩa trang, đâu đâu cũng có sự hiện diện của phế liệu. Ngay cả mảnh đất vốn dĩ thuộc về người chết nay lại đang được tận dụng để chứa "nguồn sống" của người sống với mục đích "sạch làng".
Anh Nguyễn Khả Huy, một tiểu thương chuyên phân loại nhựa cho biết: "Từ nhỏ anh đã sống trong nhựa rồi, lớn lên xung quanh đã toàn nhựa…". Thế hệ của anh Huy, những người đã lớn lên từ nhựa dù quen thuộc với nhựa những cũng đang chật vật để thoát nghèo, để mưu sinh trong những bãi phế liệu khổng lồ tại Xà Cầu.
Phế liệu có mặt ở khắp nơi tại “thủ phủ phế liệu” này (Ảnh: Minh Toàn)
Có thể nói, nhựa đã hiện hữu ở Xà Cầu này được gần nửa đời người, có những người lớn lên trong nhựa, nhưng cũng có những người chết đi trong nhựa. Hơn cả nguồn sống, nhựa là tất cả đối với những người dân ở đây.
Để tái chế được nhựa thường gồm rất nhiều công đoạn, tuy nhiên chủ yếu người dân ở đây làm nghề thu gom, phân loại và nghiền nhỏ nhựa. Các hộ chuyên thu gom sẽ thu gom phế liệu từ nhiều nơi sau đó bán cho những hộ chuyên phân loại. Các hộ này sẽ phân loại nhựa, tách vỏ và bán lại cho những hộ nghiền nhựa. Những hộ nghiền nhựa này sẽ rửa nhựa sau đó nghiền và nhựa sau khi nghiền nhỏ sẽ được bán đi nơi khác để tiêu thụ.
Bên trong "thủ phủ phế liệu" này sẽ có những hộ dân chuyên đi thu gom phế liệu, nhựa từ các vùng lân cận. Công việc bắt đầu từ 6h sáng đến 12h trưa. Những người làm công việc này thường là đàn ông bởi có sức khoẻ thể chất hơn phụ nữ và phù hợp với những công việc bốc vác. Nhà nào khá giả thì vận chuyển bằng ô tô tải, những hộ khó khăn hơn thì vận chuyển bằng xe lôi. Nhựa được chuyển về làng theo đường quốc lộ 21B, sau đó bán cho những hộ gia đình làm công việc phân loại nhựa.
Hầu hết những hộ dân tại đây đều làm công đoạn phân loại nhựa, bởi đây là công việc đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn nhưng lại không yêu cầu trình độ cao. Từ người già đến trẻ con, thậm chí cả người bệnh tật đau ốm cũng có thể làm được, chỉ có người mất khả năng lao động là không thể kiếm tiền được.
Chật vật mưu sinh
Nhựa sẽ được phân thành nhiều loại khác nhau chủ yếu bao gồm: nhựa trong, nhựa dẻo…Những xô sơn nếu còn lành lặn sẽ được tận dụng, bán lại. Những chiếc bị vỡ thì sẽ được các người dân chẻ ra, làm sạch, những vỏ chai nhựa sẽ được bóc bỏ nhãn mác, phân loại trước khi cho vào máy cắt hoặc bán đi...
Việc phân loại nhựa không có yêu cầu cao về trình độ chuyên môn nên giá nhân công được trả cho công đoạn này thường rất thấp. Cô Nguyễn Thị Ước (47 tuổi) chia sẻ: "Phân loại là dễ nhất rồi, đau ốm, già yếu, trẻ con đều làm được, chỉ có người ốm liệt giường thì không làm được thôi".
Nhưng cũng vì yêu cầu trình độ không cao nên giá nhân công cho công việc phân loại này cũng vô cùng rẻ mạt. Bà Nguyễn Thị Vui (67 tuổi) chia sẻ: "1.000 đồng/1kg thôi, bóc vỏ xong phân loại. Đi làm lấy mớ rau thôi chứ có ham gì nữa đâu, ở nhà buồn tay, buồn chân thì đi làm".
Bà Vui cảm thấy hạnh phúc vì còn khoẻ còn được làm nghề không bị phụ thuộc và con cháu (Ảnh: Minh Toàn)
Tối đa, 1 ngày bà Vui chỉ bóc và phân loại được khoảng 20kg do tuổi cao và cũng đang mắc một số bệnh về xương khớp nên không thể ngồi lâu được. Vì lẽ đó, tiền công 1 ngày bà nhận được cũng chỉ 20.000 đồng.
"Người trẻ, khoẻ thì người ta bốc vác hoặc là làm những việc khác chứ ngồi phân loại giá rẻ như này người ta không ngồi đâu. Chỉ có các bà già không làm việc nặng được nên mới ngồi đây…" – bà Vui nói thêm. Tuy nhiên, bà Vui là một trong số những người may mắn bởi vì được đi làm để kiếm cái ăn chứ không phải đi làm để trả nợ hay mua thuốc.
Bà N.T.M (54 tuổi) cũng nhận được mức thù lao tương tự như bà Vui. Tuy nhiên, bà M lại đăng mắc những căn bệnh phải uống thuốc suốt đời vì vậy nên tiền công của bà là để trả tiền chạy chữa, thuốc thang. Bà M nói: "Đi làm chả đủ tiền thuốc đâu nhưng mà không làm thì còn tốn nhiều hơn. Mấy lần chạy chữa thì cứ vay nợ hoặc là con cái nó cho, xong lại đi làm để trả nợ, để bù tiền thuốc…".
Khi được hỏi tại sao không làm nghề nào khác để tăng thu nhập, bà M ngậm ngùi: "Đau lưng có trồng được lúa đâu, có làm gì khác được. Cái này chỉ việc ngồi bóc nhãn rồi phân loại nó dễ chứ không phải là không muốn đổi nghề…". Bệnh đau lưng, mất ngủ… đã theo bà hàng chục năm nay. Những ngày nào khoẻ thì bà đi làm, nhưng những ngày ốm yếu không thể đi làm thì bà đành ngậm ngùi bỏ ngày công hôm đó.
Nhựa sau khi được phân loại sẽ được bán cho những hộ làm công việc nghiền nhỏ nhựa hoặc những hộ tạo nhựa để tiếp tục những công đoạn tái chế nhựa. Tạo nhựa là công việc ép các loại nhựa đã được phân loại thành những bánh nhựa để bán đi nơi khác. Tuy nhiên do việc tạo nhựa có chi phí và độ khó cao nên hầu hết những hộ ở đây đều làm nghiền nhựa. Nhựa sau khi nghiền sẽ được bán về các vùng khác để tái chế.
Hầu hết những hộ dân tại đây đều làm công việc phân loại nhựa vì "dễ". Do đặc thù của công việc này dễ nên người người làm nhựa, nhà nhà làm nhựa khiến cho làng nghề dần… chết yểu. Xã Quảng Phú Cầu trước có 6 thôn, thì trong đó 5 thôn làm tăm hương, chỉ riêng thôn Xà Cầu từ xưa nổi tiếng làm hương đen đặc trưng.
Lý giải về lý do làng nghề hương đen chết yểu bà Nguyễn Thị Thung (65 tuổi) – một trong số những người đầu tiên làm nhựa ở làng chia sẻ: "Ban đầu thì có một vài người làm thôi nhưng mà sau này theo nhau nên nó thành cả làng thế này". Hoạt động thu gom, phân loại, tái chế nhựa này, biến làng nghề hương đen xưa trở thành "thủ phủ phế liệu" lớn nhất tại Hà Nội.
Nhựa là "nguồn sống" của hầu hết người dân ở đây bởi lẽ, người dân ở đây lớn lên trong nhựa, tiền kiếm được từ nhựa được dùng để chi trả cho mọi hoạt động của đời sống như: tiền ăn, tiền học, tiền thuốc… Nếu như không có nhựa thì có lẽ cuộc sống của những người ở đây đã rất khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!