Vào lúc 20h ngày 6/7/2023, chương trình tư vấn trực tuyến "Thừa cân béo phì - Giảm cân an toàn và phẫu thuật" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã diễn ra. Trong suốt 120 phút diễn ra, chương trình đã thu hút nhiều sự quan tâm nhờ có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tiêu hóa, Dinh dưỡng, Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh gồm: TS.BS Đỗ Minh Hùng (Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa), TS.BS Lâm Văn Hoàng (Cố vấn chuyên môn, bác sĩ Khoa Nội tiết - Đái tháo đường), BS.CKI Đào Thị Yến Thủy (Trưởng khoa Khoa Dinh dưỡng Tiết chế).
Dưới đây là một vài trong số rất nhiều câu hỏi đã gửi đến chương trình đã được các bác sĩ trả lời cặn kẽ, dễ hiểu.
TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
Khán giả Thành Nhân Phan gửi đến Fanpage VNE: "Gần đây em biết có trường hợp chữa béo phì bằng cách cắt dạ dày. Em cũng là một người béo phì đã ăn kiêng và tập thể thao nhưng không hiệu quả. Phương pháp cắt dạ dày có nguy hiểm không và đối tượng nào có thể thực hiện được?".
TS.BS Đỗ Minh Hùng cho biết, trong các phương pháp giảm cân, phẫu thuật thu gọn dạ dày có mức độ an toàn cao, tỷ lệ thành công khoảng 99,9%. Có khoảng 10% người bệnh trải qua phẫu thuật xuất hiện biến chứng. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp gặp biến chứng đều nhẹ, không nguy hiểm tới tính mạng. Cân nặng dư thừa khi được xử trí đúng cách sẽ giúp cải thiện những chỉ số sức khỏe. Người bệnh nên lựa chọn các đơn vị điều trị béo phì uy tín, kết hợp nhiều chuyên khoa để hạn chế rủi ro khi phẫu thuật cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được phương pháp này. Đây được xem là lựa chọn cuối cùng trong điều trị bệnh lý béo phì. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật khi đã áp dụng những biện pháp ăn kiêng, tập thể dục, uống thuốc giảm cân mà không có hiệu quả; có chỉ số BMI từ 40 trở lên hay từ 35 - 39,9 và đi kèm ít nhất một bệnh lý khác (huyết áp cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, xương khớp…). Một số nước châu Á chọn BMI là 35 và 30 cùng với việc xem xét tình trạng bệnh đi kèm để chỉ định phẫu thuật.
TS.BS Lâm Văn Hoàng, bác sĩ Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
Khán giả Khuong Nghi Tran gửi đến Fanpage của BVĐK Tâm Anh: "Con trai tôi 12 tuổi, cháu chỉ cao 1m40, nặng 60kg, người tròn béo. Nhiều người khuyên đưa cháu đi khám nội tiết vì có thể bị chậm phát triển chiều cao, thiếu hụt hormone tăng trưởng. Trường hợp con tôi nên điều trị như thế nào?".
TS.BS Lâm Văn Hoàng cho hay, bên cạnh chế độ giảm cân, vận động cũng rất quan trọng trong điều trị béo phì. Chị nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn chế độ vận động phù hợp. Về chiều cao, người nhà nên theo dõi trẻ khoảng 2 năm, nếu bé không tăng trưởng chiều cao hoặc tăng trưởng quá ít theo chuẩn chiều cao trẻ em từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trường hợp này cần được đưa đi khám sớm với các bác sĩ chuyên khoa nhi. Khi khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng thiếu chiều cao của con trai chị có phải là do thiếu hormone tăng trưởng GH không hay do nguyên nhân khác, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp.
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
Khán giả Phong Lê gửi câu hỏi đến Fanpage BVĐK Tâm Anh: "Tôi có nghe nói đến phương pháp nhịn ăn gián đoạn, xin hỏi là phương pháp này có an toàn không và cách thực hiện như thế nào?"
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy cho biết, trong vài năm gần đây, nhịn ăn gián đoạn là một trong các hình thức ăn kiêng phổ biến được nhiều người áp dụng. Đây là chế độ ăn uống và nhịn ăn có chu kỳ. Nhiều người tin rằng phương pháp này giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt lượng calo dung nạp vào cơ thể.
Tuy nhiên, thực tế, nhịn ăn gián đoạn vẫn có thể gây tăng cân. Hơn nữa, nhịn đói trong thời gian dài có thể khiến một số người có xu hướng ăn uống vô độ sau đó. Việc nạp calo nhiều hơn nhu cầu cơ thể sẽ khiến lượng mỡ tăng lên, ngay cả sau chu kỳ nhịn ăn liên tục 12 - 16 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường huyết, khiến bạn bị choáng váng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Nếu muốn áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để hạn chế rủi ro cho sức khỏe của mình.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), so với những năm 1980, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới tăng gần gấp đôi. Trên thế giới, hiện có hơn 1 tỷ người bệnh béo phì gồm 650 triệu người trưởng thành, 340 triệu thanh thiếu niên, 39 triệu trẻ em. Theo báo cáo mới của Liên đoàn Béo phì Thế giới, đến năm 2035 sẽ có 51% dân số toàn cầu, tương đương 4 tỷ người bị thừa cân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!