Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 diễn sáng 25/11, với sự tham gia của hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh thành, phố, những kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân đã được đúc rút, trong đó sử dụng thuốc điều trị như thế nào là một nội dung quan trọng.
Đúc rút kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Đại diện TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân nặng, quản lý, điều trị F0 tại nhà và thu dung F0 tại y tế cơ sở, trong đó, nhấn mạnh một trong những nguyên nhân gây tử vong trong giai đoạn đầu là do bệnh nền, quá tải tại tuyến cơ sở.
Để đáp ứng với diễn biến của dịch, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật và thay đổi phác đồ điều trị và thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc như kháng virus, kháng viêm.
Hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 2,1% tương đương với thế giới. Để có được kết quả này có nỗ lực của ngành y tế và cụ thể là chiến lược thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 Molnupiavir. Gần 250.000 liều thuốc này được sử dụng, giảm được tỷ lệ tử vong khoảng 50% so với nhóm không sử dụng Molnupiravir.
Cùng với thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc Remdesivir giúp cải thiện tình trạng thở máy xâm nhập ở nhóm bệnh nhân tổn thương phổi.
Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
Thuốc điều trị - Tuyến phòng thủ quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19
Đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất mà y học hiện đại từng phải đối mặt. nhiều hãng dược phẩm cũng đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương pháp điều trị và loại thuốc có thể cứu sống người bệnh và thậm chí có thể điều trị ngay từ giai đoạn sớm. Nếu kết hợp cùng với vaccine, những viên thuốc điều trị có thể bổ sung và làm đa dạng thêm kho công cụ toàn cầu đối phó với đại dịch, đem lại nhiều hy vọng chấm dứt dịch bệnh.
Đầu tháng 11 này, giới chức Anh đã cấp phép sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Động thái này đánh dấu sự cho phép đầu tiên trên thế giới từ Cơ quan Y tế đối với thuốc kháng virus bằng đường uống được sử dụng để điều trị COVID-19 ở người lớn.
Các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy, thuốc Molnupiravir giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân COVID-19.
Hãng dược Pfizer của Mỹ cho biết đang xin cấp phép lưu hành khẩn cấp tại Mỹ loại thuốc viên điều trị COVID-19, có thể được sử dụng ngay khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính. Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc có tên là Paxlovid này cho thấy có khả năng giảm 89% nguy cơ phải nhập viện hoặc bệnh diễn biến nặng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành.
Trung Quốc cũng đang tăng tốc hoàn thành việc phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19. Trong số các loại thuốc đang được nghiên cứu và thử nghiệm ở Trung Quốc, liệu pháp kết hợp kháng thể đơn dòng trung hòa dự kiến sẽ trở thành liệu pháp đầu tiên được chấp thuận sử dụng trên thị trường vào tháng 12 tới.
Thuốc này cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 ở 7 nước, trong đó có Mỹ, Brazil và Philippines.
Điều trị, phục hồi sức khỏe cho F0 đã khỏi bệnh
Khỏi bệnh không đồng nghĩa người từng mắc COVID-19 đã hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường. Ước tính có đến 30% F0 được điều trị khỏi nhưng vẫn còn bị đe doạ sức khoẻ bởi các triệu chứng hậu COVID-19. Đó không chỉ là những ảnh hưởng về thể chất, mà còn cả về tinh thần.
Theo nhiều nghiên cứu, những triệu chứng ấy sẽ không hết trong một sớm một chiều. Đối với một số bệnh nhân, nó thậm chí sẽ còn ảnh hưởng đến suốt quãng đời sau này. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện hiện đã phải mở thêm các chuyên khoa điều trị hậu COVID-19
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền đều đang đẩy mạnh, kênh thông tin tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho bệnh nhân hậu COVID-19. Một chương trình có quy mô lớn, hệ thống bài bản hơn đang được TP Hồ Chí Minh triển khai.
Như vậy, không chỉ những F0 hậu COVID-19 sẽ có thêm ngôi nhà thứ 2 để hỗ trợ phục hồi, ngăn chặn những hệ luỵ lâu dài của dịch bệnh mà đây còn là giải pháp góp phần vào khôi phục hoàn toàn đời sống xã hội.
Nguy cơ mắc triệu chứng "COVID-19 kéo dài"
Trên thế giới cũng đã tìm ra những bằng chứng chứng minh những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc các triệu chứng "COVID-19 kéo dài" dù có được tiêm vaccine hay không.
Trong 6 tháng, các nhà nghiên cứu xem xét gần 10.000 trường hợp đã tiêm phòng đầy đủ nhưng được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 và so sánh với một số lượng tương tự các bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm phòng. Kết quả cho thấy những ca nhiễm sau tiêm "có ít nguy cơ mắc các triệu chứng nặng" như cần điều trị tích cực hay hỗ trợ thở hoặc xuất hiện cục máu đông ở phổi hoặc chân tay. Tuy nhiên, các triệu chứng "COVID-19 kéo dài" xảy ra với tỷ lệ tương đương nhau giữa những người đã tiêm và chưa tiêm phòng.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, vaccine vẫn là cách hữu hiệu để ngăn chặn các triệu chứng COVID-19, kể cả COVID kéo dài. Tuy nhiên, các phát hiện của nghiên cứu cho thấy những người nhiễm sau tiêm vẫn cần cảnh giác với các triệu chứng tiềm ẩn.
Vậy là COVID-19 vẫn còn tiếp tục thách thức nhân loại, gây ra những tổn hại về sức khỏe của bệnh nhân trong ngắn hạn lẫn dài hạn, cho dù bệnh nhân có tiêm vaccine hay không. Một chuyên gia y tế của Mỹ đã nhận định rằng: "Thuốc điều trị COVID-19 có lẽ sẽ làm thay đổi cuộc chơi, giúp chúng ta tiến lên phía trước và đưa cuộc sống trở lại bình thường". Nhưng có thuốc, có vaccine cũng vẫn chưa đủ. Hãy cố gắng để không bị nhiễm bệnh, bằng việc thực hiện các nguyên tắc 5K.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!