Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Đoàn Lê Hoàng Tân: Nhà sáng chế vật liệu hỗ trợ điều trị ung thư

Trần Bình (VTV Digital)-Thứ sáu, ngày 12/03/2021 10:15 GMT+7

TS. Đoàn Lê Hoàng Tân miệt mài trong phòng lab.

VTV.vn - Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 trong lĩnh vực Nguyên cứu khoa học - sáng tạo.

Hành trình 10 năm miệt mài với các công trình nghiên cứu về công nghệ vật liệu mới của chàng tiến sĩ trẻ Đoàn Lê Hoàng Tân (33 tuổi) đã cung cấp thêm nhiều thông tin ứng dụng trong các lĩnh vực như năng lượng, y sinh, môi trường... Hành trình ấy đến nay đã có những quả ngọt, nhưng với TS. Tân tất cả chỉ là sự khởi đầu.

TS. Đoàn Lê Hoàng Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và phân tử, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh vừa được công bố là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 trong lĩnh vực Nguyên cứu khoa học - sáng tạo.

Không giấu được được niềm vui và sự tự hào khi nói về hành trình phấn đấu và nỗ lực của học trò mình, GS.TS Lê Ngọc Thạch - nguyên Trưởng Bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi gắn bó với Tân từ thời sinh viên cho đến khi cậu ấy trở thành tiến sĩ, Tân là người chăm chỉ và làm việc rất chất lượng. Khóa luận tốt nghiệp cử nhân của Tân được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, đó là điều rất hiếm gặp!".

"Mỗi công trình nghiên cứu của TS Tân đều thể hiện sự nỗ lực rất lớn và mỗi kết quả công bố luôn hướng đến mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng" - GS.TS Lê Ngọc Thạch nói.

Hành trình nỗ lực

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi chương trình Cử nhân tài năng tại khoa Hóa học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, lối rẽ vào con đường nghiên cứu khoa học của chàng trai trẻ Hoàng Tân bắt đầu mở ra.

Khi anh biết đến chương trình hợp tác đào tạo tiến sĩ về vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOF) giữa ĐHQG TP Hồ Chí Minh và Đại học California Los Angeles, Hoa Kỳ, Tân đã ứng tuyển. Chàng trai Hoàng Tân đã nhanh chóng bị loại vật liệu mới - MOF thu hút. Anh quyết định đổi hướng nghiên cứu từ hóa hữu cơ sang vật liệu MOF, khi chính thức trở thành 1 trong 10 nghiên cứu sinh trúng tuyển tham gia chương trình học trên.

Từ đó cho đến nay, hướng nghiên cứu của TS. Đoàn Lê Hoàng Tân tập trung vào thiết kế, tổng hợp, phát triển vật liệu xốp lai hữu cơ và vô cơ, từ đó mở rộng hướng ứng dụng loại vật liệu này trong lĩnh vực xúc tác dị thể, xử lý môi trường và y sinh.

Trong đó, y sinh là một hướng nghiên cứu nổi bật, khi anh đã nghiên cứu, phát triển thành công vật liệu nano phân hủy sinh học dùng để mang và dẫn truyền dược chất kháng ung thư. Theo tiến sĩ Tân, trong điều trị ung thư, khi đưa dược chất kháng ung thư vào cơ thể, ngoài tế bào ung thư, các dược chất điều trị còn có thể ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. Điều này khiến các tế bào thường bị yếu hoặc chết đi, dẫn đến các tác dụng phụ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.

Mặt khác, dược chất có hoạt tính kháng ung thư có nguồn gốc từ thiên nhiên ở Việt Nam rất nhiều, nhưng hầu hết lại kém tan trong nước nên khi đưa vào cơ thể, hoạt tính bị giảm đi nhiều, khiến cho việc sử dụng nguồn dược liệu quý giá này không đạt hiệu quả cao.

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Đoàn Lê Hoàng Tân: Nhà sáng chế vật liệu hỗ trợ điều trị ung thư - Ảnh 1.

Thầy Tân là một người nhiệt huyết và kỹ tính trong công việc, chính thầy là người truyền lửa, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho chúng tôi", bạn Nguyễn Thị Thu Trang - học viên cao học ngành Hóa hữu cơ đang được TS. Tân hướng dẫn - chia sẻ

Chính từ những nghiên cứu của TS. Tân đã mở ra một hướng nhìn mới, tích cực hơn trong nghiên cứu điều trị bệnh lý ung thư trong giai đoạn hiện nay.

"Quan điểm của tôi là nghiên cứu khoa học để phục vụ cộng đồng, các hướng nghiên cứu càng gần với nhu cầu xã hội, có thể đóng góp cho sự phát triển xã hội thì càng tốt", TS. Đoàn Lê Hoàng Tân chia sẻ.

Ngoài ra, theo TS. Tân, một hướng nghiên cứu ứng dụng mới của anh và các cộng sự là tiến tới thiết kế, phát triển vật liệu có khả năng khử mặn, giảm mặn cho nguồn nước ĐBSCL trong giai đoạn sắp tới.

"Là sản phẩm của người Việt"

Cũng từng có khoảng thời gian phân vân giữa việc về nước hay tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu tại Nhật Bản nhưng cuối cùng TS. Tân đã chọn quay về ĐHQG TP Hồ Chí Minh làm việc - nơi đã từng nuôi dưỡng ước mơ làm nghiên cứu khoa học trong anh.

"Khi về nước, được làm việc và cống hiến, tạo nên những công trình, sản phẩm phục vụ lợi ích cho đất nước là mục đích của bản thân tôi" - TS. Đoàn Lê Hoàng Tân bộc bạch.

Vừa giảng dạy, vừa làm công tác quản lý, TS. Tân còn vận hành nhóm nghiên cứu về công nghệ vật liệu gồm các học viên cao học, nghiên cứu sinh. Trong đó có những nghiên cứu sinh đầu tiên anh nhận hướng dẫn sau 2 năm đã tốt nghiệp thạc sĩ, một số tiếp tục theo nhóm để nghiên cứu, một số chọn hướng tu nghiệp tại nước ngoài.

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Đoàn Lê Hoàng Tân: Nhà sáng chế vật liệu hỗ trợ điều trị ung thư - Ảnh 2.

TS. Tân và các cộng sự của mình.

Kiên trì, khách quan và luôn tư duy đổi mới là những điều anh tự đúc kết cho quá trình nghiên cứu khoa học của mình. Làm khoa học với TS. Tân là làm việc bằng tình yêu và niềm đam mê, chứ không phải bằng trách nhiệm. Anh tâm niệm như thế và luôn chia sẻ với các bạn trẻ khi cùng làm việc chung.

"Nếu bạn làm việc vì trách nhiệm thì khi được giao chỉ tiêu, nghĩa vụ của bạn là chỉ hoàn thành chỉ tiêu đó. Còn nếu làm việc với niềm đam mê, thì phải cố gắng làm tốt hơn và phải luôn tự đặt cho bản thân những giới hạn cao hơn để chinh phục".

Với TS. Tân, làm khoa học là câu chuyện của tập thể. Chính vì thế, câu chuyện kết nối các nhà khoa học trên cả nước, cũng như là kết nối các nhà khoa học Việt Nam với các Giáo sư đầu ngành từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới cũng được anh chú tâm. Theo anh, mỗi nhóm nghiên cứu đều có những thế mạnh riêng, nếu có sự hợp tác thì kết quả mang lại sẽ rất cao, mục tiêu cuối cùng là để phát triển nền khoa học Việt Nam.

"Khi có càng nhiều các bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín được đăng tải có địa chỉ ở Việt Nam, thì các nhà khoa học của chúng ta càng được chú ý, được tham gia phản biện... Cũng chính từ đây, câu chuyện khẳng định vị thế đất nước chúng ta được nâng cao, nền khoa học chúng ta dần tiệm cận với các nước phát triển, đó là niềm hạnh phúc và vinh dự của mỗi người làm khoa học", TS. Tân bày tỏ.

Năm 2020, TS. Đoàn Lê Hoàng Tân được vinh danh tại lễ trao giải Quả cầu Vàng 2020 do Bộ Khoa học và Công Nghệ, Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.

Đến nay, TS Đoàn Lê Hoàng Tân đã có 33 bài báo khoa học công bố quốc tế - với 90% thuộc danh mục Q1; 3 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế; chủ nhiệm 4 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp Bộ, thư ký khoa học 1 đề tài cấp Bộ và đang triển khai 1 đề tài cấp Nhà nước; đồng tác giả 1 sáng chế Mỹ và tác giả chính 1 sáng chế trong nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước