Trong 7 ngày nghỉ Tết, cả nước đã có hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, tăng gần 600% so với Tết năm 2022. Một mặt là do đi lại năm nay nhiều hơn. Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông toàn quốc đã có chiến dịch huy động làm việc xuyên Tết ở mọi xã, huyện và tỉnh thành để kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lâu nay, vẫn không hề đơn giản. Những trường hợp chống đối lực lượng chức năng khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn không hiếm gặp.
Từ tháng 12 và đặc biệt là trong 7 ngày nghỉ Tết, nhiều chốt 141 được triển khai tại nhiều vị trí: tại trục đường lớn, gần quán nhậu và tuần tra lưu động, ngay cả trong đêm 30 Tết và nhiều thời điểm trong ngày. Nhờ đó, tai nạn giao thông đã giảm so với Tết năm 2022 và đặc biệt là so với kỳ nghỉ Tết năm 2019 (trước khi có dịch COVID-19).
Vài tháng trước Tết, lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền cơ sở của các địa phương, và các cơ quan Nhà nước đã nhận được yêu cầu phối hợp tuyên truyền rộng rãi về quy định xử phạt nếu người dân lái xe khi đã uống rượu bia.
CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn và ma túy với các tài xế lái xe đường dài tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Không ít địa phương đã có cách tuyên tuyền phù hợp với văn hóa bản địa. Ví như ở các tỉnh Tây Nguyên, lực lượng công an tiếp tục phối hợp cùng các già làng, thôn trưởng - những người có uy tín trong cộng đồng.
Ngoài việc nỗ lực vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt, "đã uống rượu, bia thì không lái xe"; không chuốc rượu bia cho người lái xe; không ngồi xe những người uống rượu bia lái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!