Ban lãnh đạo, người lao động và tuổi trẻ Công ty BSR tri ân những đóng góp lớn lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với NMLD Dung Quất. Ảnh: Đức Chính - BSR
23/11/1922 - 23/11/2022: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tưởng nhớ người đặt nền móng đầu tiên xây dựng NMLD Dung Quất ngày nay. Trong giây phút lắng đọng, Phó Tổng Giám đốc BSR - Phạm Minh Nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và tri ân tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên thân mật là Bác Sáu Dân): "Ngay tại khuôn viên trong khu hành chính NMLD Dung Quất, nơi mà cách đây 28 năm trước là bãi cát trắng mênh mông và nay là nhà máy lọc dầu hiện đại".
Phó Tổng Giám đốc BSR - Phạm Minh Nghĩa phát biểu tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ôn lại lịch sử 61 năm ngành Dầu khí Việt Nam.
Phó Bí thư Đoàn Thanh niên BSR - Nguyễn Lan Hương, đại diện cho thế hệ trẻ của NMLD Dung Quất phát biểu tri ân nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và 61 năm ngày Truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2022) là dịp để tuổi trẻ dầu khí tưởng nhớ và tri ân những công lao to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Chúng tôi mang trong mình sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn tự hào là một phần trong hành trình đi tìm lửa của biết bao thế hệ người dầu khí, nguyện ra sức thi đua học tập, lao động sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong sản xuất kinh doanh", chị Hương cho hay.
Phó Bí thư Đoàn Thanh niên BSR - Nguyễn Lan Hương phát biểu tri ân tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐQT BSR Khương Lê Thành xúc động: "Tập thể người lao động BSR với hơn 1.500 nhân sự quyết tâm đoàn kết, lao động sáng tạo đưa NMLD Dung Quất - Công ty BSR phát triển nhanh trong thời gian tới, không phụ lòng tin của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hết mình vì mảnh đất miền Trung. 12 năm vận hành thương mại NMLD Dung Quất, đã trải qua nhiều thời khắc lịch sử, có cả những gian truân, có cả những thời khắc khó khăn về vận hành, thương mại bán hàng, mưa bão… nhưng Công ty BSR vẫn đứng vững, trở thành một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất về doanh thu, nộp ngân sách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam".
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐQT BSR - Khương Lê Thành phát biểu tại buổi Lễ
Nhìn lại chặng đường 28 năm trước, kể từ ngày 9/11/1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định số 658/QĐ-TTg, về địa điểm xây dựng NMLD đầu tiên của đất nước và quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Đến 11 năm sau (28/11/2005) mới chính thức khởi công xây dựng NMLD Dung Quất, trong khoảng thời gian đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trải qua nhiều đắn đo trước nhiều ý kiến trái chiều, kể cả một số nhà khoa học cho rằng, xây dựng NMLD Dung Quất là một bài toán mạo hiểm.
Thông qua nhiều cuộc họp của Chính phủ, để nghe tất cả ý kiến của các Bộ, Ngành, báo cáo của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Tiếp theo là báo cáo, thảo luận ở nhiều kỳ họp Quốc hội, mỗi khi bàn đến việc chọn địa điểm xây dựng NMLD đầu tiên cho Việt Nam, nghị trường lại nóng lên trước những ý kiến bất đồng về việc lựa chọn 01 trong 04 địa điểm được xếp theo thứ tự thì Long Sơn (Vũng Tàu) là đứng đầu, tiếp theo là vịnh Văn Phong (Khánh Hòa), rồi Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cuối cùng là Dung Quất (Quảng Ngãi).
Lựa chọn xây dựng NMLD ở Long Sơn thì rõ ràng là thuận lợi nhất bởi lẽ Long Sơn gần với nguồn dầu thô và thành phố Vũng Tàu, có cơ sở hạ tầng phát triển, có hệ thống dịch vụ tốt… Đặt nhà máy tại đây vốn đầu tư sẽ thấp, thời gian thi công nhanh và đặc biệt là đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho đội ngũ chuyên gia. Nhưng khi Chính phủ quyết định đặt ở Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí Total của Pháp đã giảm bớt sự quan tâm và đưa ra nhiều đòi hỏi mà chúng ta khó chấp nhận được.
Lựa chọn xây dựng NMLD ở vịnh Văn Phong cũng rất thuận lợi, nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận thấy tiềm năng du lịch lớn của vịnh Văn Phong và mặt bằng xung quanh không đủ rộng nên quyết định không nên đặt cơ sở công nghiệp tại đây.
Lựa chọn xây dựng NMLD ở Nghi Sơn, thì đường vận chuyển dầu thô xa và sản phẩm hóa dầu vận chuyển đi các nơi sẽ xa hơn, không kinh tế lắm…
Còn lại Dung Quất là ưu thế duy nhất, nơi này có được là cảng nước sâu, mặt bằng xung quanh thuận lợi về địa lý, điều kiện tự nhiên, không ảnh hưởng nhiều đến đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng khó khăn thiếu thốn thì vô cùng, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, khu vực cảng thì có địa chất phức tạp, thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt…
Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe trình bày về quy hoạch Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất - năm 1995
Bên cạnh đó, vào những năm 1994 - 2000, giá dầu trên thế giới giảm mạnh, cho nên có ý kiến cho rằng, nếu tính bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng NMLD thì không bằng mang dầu thô đi các nước lân cận lọc ra dầu thành phẩm sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế...
Trước những ý kiến đó, Chính phủ - mà đứng đầu là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiên quyết giữ vững quan điểm xây dựng NMLD ở Dung Quất, trước hết là để làm chủ trong quá trình sản xuất xăng dầu, đảm bảo anh ninh năng lượng cho đất nước, tiếp theo là tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi và cả một khu vực miền Trung. Quảng Ngãi, mảnh đất kiên cường cách mạng, nhưng điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Ngãi lại rất hạn chế. Hằng năm, Chính phủ phải rót ngân sách nhà nước về cho Quảng Ngãi khoảng 40 - 60%. Nếu không xây dựng NMLD tại Dung Quất thì cơ hội thoát nghèo cho tỉnh Quảng Ngãi là rất khó. Đây là tầm nhìn rất xa của Chính phủ, đứng đầu là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết liệt để tạo động lực phát triển kinh tế cho Quảng Ngãi và một loạt các tỉnh miền Trung. Đó là điều mà không phải nhiều người đã nhận ra, nếu xét về khía cạnh kinh tế đơn thuần.
Kể từ ngày 22/2/2009, NMLD Dung Quất đã xuất bán dòng sản phẩm thương mại đầu tiên đến tháng 10/2022, đã sản xuất hơn 75,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, tổng doanh thu ước đạt 1,29 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 193,9 nghìn tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của NMLD Dung Quất đạt trên 140 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước gần 16 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận vượt xa kế hoạch đề ra và sẽ đạt mức cao nhất kể từ khi vận hành đến nay.
NMLD Dung Quất đang vươn mình mạnh mẽ cùng sự phát triển của hàng chục cảng nước sâu được đầu tư, khai thác hiệu quả tại khu vực vịnh Dung Quất đã làm bừng sáng nền kinh tế - xã hội ở Quảng Ngãi, hơn 10 năm qua luôn là tỉnh nộp ngân sách hàng chục tỷ mỗi năm và là điểm nhấn góp phần thu hút phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Qua đó cho thấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã luôn quyết đoán và mang một nhãn quan chiến lược cho toàn vùng chứ không mang tính cục bộ. Trước đó, miền Nam là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng luôn thiếu điện, trong khi miền Bắc lại thừa điện khi thủy điện Sông Đà hoàn thành. Bằng những lý lẽ khoa học, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định làm đường dây 500 KV xuyên qua những địa hình "không tưởng" dọc theo dãy Trường Sơn, trước những cặp mắt nghi ngờ cho rằng đây là một cuộc phiêu lưu. Người đã đánh cược sinh mệnh chính trị của mình và đường dây điện có chiều dài 1.400 km đã hoàn thành và sử dụng hiệu quả đến gần 30 năm vẫn còn là vấn đề thời sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!