Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân lọc máu

PV-Thứ năm, ngày 09/11/2023 10:46 GMT+7

VTV.vn - Tại buổi hội thảo mới đây, các bác sĩ đã được tiếp cận với những kiến thức mới nhất về lâm sàng, cách hiệu chỉnh liều thuốc trên bệnh nhân lọc máu.

"Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân lọc máu – Cơ hội và thách thức" là chủ đề của hội thảo khoa học vừa được Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và Hoa Kỳ. Đây là hội nghị khoa học quan trọng về vấn đề sử dụng thuốc trên đối tượng bệnh nhân đặc biệt: bệnh nhân ICU, cần lọc máu - còn rất nhiều khó khăn trong điều trị và hiệu chỉnh liều thuốc cho đối tượng bệnh nhân này.

TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hội thảo là cơ hội cho các bác sĩ, dược sĩ, các nhà khoa học, nghiên cứu viên, các nhân viên y tế được tiếp cận với những kiến thức mới nhất, chuyên sâu nhất về lâm sàng cũng như cách hiệu chỉnh liều thuốc trên bệnh nhân hồi sức tích cực có lọc máu.

Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân lọc máu - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại buổi hội thảo, các bác sĩ, nhân viên y tế đã được trao đổi các kinh nghiệm, những tiến bộ mới nhất về dược lâm sàng để có thể cập nhật và áp dụng ngay trong việc điều trị cho người bệnh.

Chia sẻ về thực tế lâm sàng, PGS.TS Đặng Quốc Tuấn, Trung tâm Hồi sức - Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, việc điều chỉnh liều với bệnh nhân lọc máu là một thách thức lớn.

"Lọc máu đem lại nhiều giá trị với bệnh nhân phải hồi sức. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của phương pháp này là thuốc bị lọc khỏi cơ thể. Vì máu được lọc liên tục nên sẽ không biết được thuốc sẽ như thế nào. Đây là vấn đề rất nan giải được đặt ra" - PGS Đặng Quốc Tuấn chỉ rõ.

Nhiều yếu tố trong lọc máu có thể tác động đến thuốc. Trong khi đó, nếu nồng độ thuốc không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Khó khăn hơn nữa khi với mỗi cơ chế lọc máu lại có tác động khác nhau với thuốc. Ví dụ với lọc đối lưu có thể lọc ra cả các phân tử nhỏ và phân tử tương đối lớn. Trong khi đó, với cơ chế khuếch tán thì chỉ lọc những phân tử có trọng lượng thấp.

"Lượng thuốc bị lọc ra ở hai loại lọc máu này sẽ khác nhau nên chúng ta cần phải lưu ý trong điều trị" - PGS Đặng Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân lọc máu - Ảnh 2.

Các chuyên gia, bác sĩ trao đổi tại buổi hội thảo

GS.TS. Linda Awdishu, Trưởng khoa Dược lâm sàng, Trường Dược Skaggs, Đại học California (Hoa Kỳ) cũng đã có những chia sẻ về cân nhắc liều dùng thuốc ở bệnh nhân tổn thương thận cấp và trị liệu thay thế thận.

Theo GS Linda, chỉ có dưới 20% các loại thuốc lưu hành hiện nay được nghiên cứu các đặc điểm dược động lực học trên quần thể bệnh nhân trị liệu thay thế thận.

Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân lọc máu - Ảnh 3.

GS.TS. Linda Awdishu, Trưởng khoa Dược lâm sàng, Trường Dược Skaggs, Đại học California (Hoa Kỳ) chia sẻ tại hội thảo

Trong khi đó, nhiều thay đổi trong cơ thể của các bệnh nhân phải lọc máu liên tục do suy thận sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc.

Điển hình là sự thay đổi trong quá trình hấp thu như: Thay đổi thời gian hấp thu tại đường tiêu hóa, thay đổi pH dạ dày, nôn và tiêu chảy, teo ruột do nhịn ăn uống qua đường miệng, rối loạn nhu động ruột, hấp thu thuốc qua tiêm dưới da bị chậm lại do phù nề.

Các thay đổi trong quá trình phân bổ có thể kể đến như: quá tải dịch dẫn đến tăng thể tích phân bổ của các thuốc thân nước, hạ albumin máu và thoát dịch ngoại bào, tăng ure máu làm thay đổi cấu trúc vị trí liên kết của albumin với thuốc.

"Việc tính nồng độ thanh thải nội tại của thận và tốc độ dịch thải trong trị liệu thay thế thận, được chuẩn hóa theo mức độ liên kết protein-thuốc, là bước đầu tiên để tính độ thanh thải của thuốc" - GS Linda Awdishu phân tích.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước