Trước đề xuất của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, chủ nuôi chó mèo phải đăng ký, khai báo định kỳ với UBND cấp xã... nhằm đảm bảo quản lý thông tin, tiêm phòng, an toàn cho cộng đồng nhận được sự ủng hộ từ các chủ nuôi.
Cơ quan chức năng yêu cầu người dân phải kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận về nuôi.
Bà Phạm Thị Quỳnh (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình, việc đăng ký với cơ quan chức năng sẽ có một hệ thống quản lý thú cưng an toàn và có trách nhiệm.
Không chỉ giúp tăng cường quản lý, mà điều này còn đảm bảo môi trường sống an toàn và hòa bình cho cả người và thú nuôi.
Bên cạnh đó, bà Quỳnh còn cho hay thấy cần thiết khi gắn microchip cho chó, mèo: "Tôi nghĩ nên gắn chip cho chó mèo để tìm kiếm và xác định thú cưng nếu bị lạc, phòng tránh được việc trộm cắp."
Dữ liệu truy xuất từ chip tăng tỉ lệ tìm thú cưng khi thất lạc, gián tiếp giảm số người bị chó, mèo cắn - Ảnh minh họa
Anh Minh Tiến (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) hoàn toàn tán thành đề xuất được đưa ra, việc kê khai là rất cần thiết, cũng không mất nhiều thời gian. Không phải lúc nào mình cũng giữ được thú cưng nên tình trạng thất lạc sẽ diễn ra, việc chó hay mèo có gắn chip mình sẽ tìm thấy được nhanh hơn.
Bà Trúc (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng không ngoại lệ khi cho rằng, nếu nuôi những con vật đó thì tất nhiên mình phải có trách nhiệm, đăng ký với phường, xã sau này có thất lạc cũng báo cáo để tìm dễ dàng.
Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, hiện nay cả nước có hơn 4.9 triệu hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn chó mèo là 7.6 triệu con. Phong trào nuôi chó, mèo đang phát triển mạnh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh. Việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý có thể dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 02/2024, tại TP Hồ Chí Minh đã có 10.330 người đi tiêm vắc xin phòng dại do bị súc vật cắn. Số tiêm ngừa phòng bệnh dại tích lũy từ đầu năm 2024 là 19.552 trường hợp.
Đối mặt với vấn đề này, giải pháp tối ưu để ngăn ngừa bệnh là tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo.
Là một người nuôi chó từ nhỏ, chị Kiều Nguyễn (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) nhận thức được việc tiêm phòng là rất quan trọng.
Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi khi còn nhỏ để tránh mắc các bệnh gây nguy hiểm cho thú cưng và người.
Theo chị Kiều, khi thú cưng đem về không được tiêm phòng sẽ rất dễ lây nhiễm các bệnh về đường ruột, tiêm phòng cũng là cách phòng ngừa bệnh cho chúng cũng như bệnh dại để tránh gây nguy hiểm cho người khác. Tuy nhiên đối với việc kê khai định kỳ 2 lần 1 năm, chị còn băn khoăn, liệu ở Việt Nam có đủ nguồn lực hoặc nhân lực để quản lý việc này. "Tôi nghĩ việc kê khai nên thực hiện đối với thú cưng có thể gây nguy hiểm hoặc lây nhiễm đối với cộng đồng." – chị Kiều nói.
Bệnh dại ở mèo cho thể lây cho chủ nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Mặc dù mới nhận nuôi chó đến nay được 4 tháng, chị Thắm (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng quan tâm đặc biệt đến việc tiêm phòng đầy đủ. Chị cho biết, từ lúc nhận về nuôi, chó nhà chị đã tiêm được 3 mũi vắc-xin, tiêm phòng dại lúc 3 tháng tuổi. Trong thời gian đó, dưới 6 tháng tuổi nên được tiêm xổ giun mỗi tháng 1 lần.
Hiện tại bệnh dại đang gia tăng đột biến, vấn đề nuôi chó, mèo cần được quản lý chặt chẽ, đòi hỏi người nuôi ý thức cao trong việc theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên theo đó chó, mèo phải được tiêm phòng dại bắt buộc.
Cũng theo báo cáo của Cục Thú Y, hiện nay TP Hồ Chí Minh là thành phố duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh (toàn bộ Thành phố). Đó là kết quả của việc tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại luôn đạt khoảng trên 90% tổng đàn chó, mèo trên địa bàn Thành phố.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Ngành Y tế khuyến cáo thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Với người nuôi chó mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan Thú y.
- Thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.
- Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông; đồng thời phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
- Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.
- Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của Ngành Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!