Ngày 12/4, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có văn bản khẩn đề nghị các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương báo cáo HĐND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương triển khai dự án đường Vành đai 3.
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND tỉnh Bình Dương và Đồng Nai khẩn trương báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết (trước ngày 20/4) thống nhất chủ trương đầu tư dự án, đồng thời cam kết đảm bảo cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần và phần vốn tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần (nếu có) phù hợp tiến độ thực hiện dự án.
Hiện tại, HĐND tỉnh Long An và HĐND TP Hồ Chí Minh đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn để đầu tư dự án đường Vành đai 3. Việc sớm ban hành nghị quyết để đảm bảo tính pháp lý của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp trong tháng 5/2022.
Sơ lược thông tin hệ thống đường vành đai TP.HCM (ảnh: Báo TN)
HĐND TP Hồ Chí Minh giao UBND thành phố khẩn trương thực hiện hoàn thiện thành phần hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công; kiên trì kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, chấp thuận cho TP Hồ Chí Minh được thực hiện huy động bổ sung cho ngân sách TP.HCM để chi đầu tư phát triển và các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho dự án để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
HĐND TP Hồ Chí Minh cũng giao UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng toàn dự án vào quý II/2024.
Đường vành đai 3 hướng đến giải quyết nhu cầu giao thông kết nối các đô thị vệ tinh và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo đột phá về hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Dự án đi qua 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư hơn 75.377 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách TP Hồ Chí Minh bố trí hơn 24.000 tỉ đồng.
Để thực hiện dự án, các địa phương cần thu hồi hơn 642 ha đất, trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh (gồm TP.Thủ Đức và 3 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) gần 409 ha, ảnh hưởng đến 2.377 hộ dân. Tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư gần 41.600 tỉ đồng; đơn giá đất và tài sản trên đất được áp dụng tại thời điểm năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!