TP Hồ Chí Minh đề xuất tiêm vaccine cho trẻ từ 3-12 tuổi và mũi 3 cho người nguy cơ cao

PV (theo Báo Tin tức)-Thứ hai, ngày 01/11/2021 22:04 GMT+7

VTV.vn - Thành phố đang xin ý kiến của Bộ Y tế về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi và đề xuất với Bộ Y tế tiêm vaccine mũi 3 cho những người có nguy cơ cao.

Chiều 1/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã phối hợp cùng các phường, xã lập kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 3 - 12 tuổi và đề xuất với Bộ Y tế tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này.

Hơn 445.000 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng chưa được tiêm vaccine. Hiện Thành phố có kế hoạch và chuẩn bị sẵn vaccine cho sinh viên, học sinh, công nhân từ các tỉnh, thành trở lại thành phố.

TP Hồ Chí Minh đề xuất tiêm vaccine cho trẻ từ 3-12 tuổi và mũi 3 cho người nguy cơ cao - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đủ số lượng vaccine để tiêm cho trẻ từ 12-7 tuổi.

Ngoài ra, Thành phố đã chuẩn bị vaccine để tiêm đầy đủ cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Song song đó, Thành phố đang xin ý kiến của Bộ Y tế về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi và đề xuất với Bộ Y tế tiêm vaccine mũi 3 cho những người có nguy cơ cao.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đối với học sinh chưa được tiêm vaccine vì nhiều lý do như bệnh lý, chưa đủ tuổi vẫn được tham gia học tập trung; đối với trường hợp chưa đủ 12 tuổi sẽ lập danh sách tại phường để được hỗ trợ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, sau 5 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Thành phố đã tiêm cho 445.398 trẻ, trong đó có 200.018 trẻ từ 16-17 tuổi, 245.380 trẻ từ 12-15 tuổi. Ngành y tế cũng đã ghi nhận tổng cộng có 42 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chiến dịch tiêm chủng được tổ chức an toàn. Theo đó, tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống COVID-19 theo quy định, như: đảm bảo khoảng cách giữa các khâu trong một dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại một địa điểm; đảm bảo an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp...

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Kế hoạch số 3522/KH-BCĐ ngày 22/10 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh về việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đợt tiêm chủng này dự kiến sẽ kéo dài 5 ngày và thêm 2 ngày tiêm vét.

TP Hồ Chí Minh đề xuất tiêm vaccine cho trẻ từ 3-12 tuổi và mũi 3 cho người nguy cơ cao - Ảnh 2.

Học sinh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn được đi học tập trung.

Về kế hoạch dạy học trực tiếp, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế để trao đổi chuyên môn, giải pháp an toàn và tham mưu cho UBND Thành phố về kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới.

"Sở cũng đã có các đoàn kiểm tra; đề nghị các quận, huyện phối hợp với các phòng chuyên môn liên quan rà soát, xây dựng phương án sửa chữa cơ sở vật chất tại các trường, đảm bảo an toàn cao nhất khi học sinh đi học trở lại", ông Trịnh Duy Trọng thông tin.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên tại TP Hồ Chí Minh đến ngày 31/10 là 7.608.475 người tiêm mũi 1 và mũi 2 là 5.723.998 người.

Trong đó có 19 quận, huyện đã tiêm mũi 1 cho 100% dân số trong độ tuổi trên 18. Còn 3 quận, huyện chưa đạt tỷ lệ này là Cần Giờ (99%), Gò Vấp (99%) và Quận 10 (96%). 6 quận, huyện đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên là huyện Củ Chi và các Quận 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận.

Không còn quận, huyện vùng cam

TP Hồ Chí Minh đề xuất tiêm vaccine cho trẻ từ 3-12 tuổi và mũi 3 cho người nguy cơ cao - Ảnh 3.

Các quán ăn tại TP Hồ Chí Minh đã tấp nập trở lại trong những ngày qua.

Đánh giá về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 1/11, TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở cấp độ 2. Theo đó, toàn thành phố có 13/22 địa phương cấp độ 1 và 9/22 địa phương đạt cấp độ 2, không có địa phương ở cấp độ dịch 3. Các quận, huyện đạt cấp độ 2 là Quận 3, Quận 11, Quận 12, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn.

"Hiện TP Hồ Chí Minh vẫn còn ở cấp độ 2, trong đó một số phường, xã có cấp độ 3 khi mỗi ngày vẫn có hơn 1.000 ca nhiễm. Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường, do đó chúng ta vẫn không được chủ quan, lơ là", ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Đức Hải, Thành phố hiện đang điều trị cho 11.230 bệnh nhân, trong đó có 653 trẻ em dưới 16 tuổi, 255 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 31/10 có 624 bệnh nhân nhập viện, 473 bệnh nhân xuất viện và 25 trường hợp tử vong trong ngày.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố đã qua đỉnh đợt dịch thứ 4, đã trở về trạng thái bình thường mới; tuy nhiên những biện pháp chống dịch vẫn đang thực hiện. Qua đợt dịch này, ngành y tế Thành phố đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm ứng phó khi có đợt dịch tiếp theo. Theo đó, ngành y tế đang cùng chuyên gia Bộ y tế tiếp tục theo dõi diễn biến của chủng mới. Các cơ sở đang nghiên cứu, lấy mẫu chính xác và nghiên cứu giải mã gen đối với loại virus này.

"Trong thời gian tới, một trong 10 bài học kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh đó là tăng cường xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng từ thành phố đến phường, xã. Để phát triển mạng lưới y tế cơ sở, cần phải có chế độ về chính sách thu hút nhân lực", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước