TP Hồ Chí Minh dự kiến mở lại chợ đầu mối và dịch vụ ăn uống tại chỗ từ ngày 1/11

PV (Theo TTXVN)-Thứ bảy, ngày 23/10/2021 07:13 GMT+7

Mặt hàng thủy hải sản được buôn bán tại Chợ đầu mối Bình Điền. (Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN)

VTV.vn - Dự kiến từ ngày 1/11 tới, Công ty chợ Bình Điền tái mở trở lại hoạt động với khoảng 30% công suất, tương đương khoảng 600 thương nhân ở tất cả ngành hàng tại các nhà lồng.

Chiều ngày 22/10, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (Công ty chợ Bình Điền) có công văn số 330/CV-BĐ gửi đến thương nhân và đối tác hoạt động trong chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, quận 8, TP Hồ Chí Minh thông báo việc mở cửa hoạt động trở lại.

Theo đó, dự kiến từ ngày 1/11 tới, Công ty chợ Bình Điền tái mở trở lại hoạt động với khoảng 30% công suất, tương đương khoảng 600 thương nhân ở tất cả ngành hàng tại các nhà lồng. Công ty chợ Bình Điền cũng đồng thời triển khai đa dạng dịch vụ phục vụ tại chợ, gồm: dịch vụ bốc xếp, căn tin, cung ứng nước đá, hoạt động sơ chế thủy hải sản...

Khi tái mở cửa hoạt động trở lại, Công ty chợ Bình Điền sẽ tiến hành thu tiền dịch vụ quản lý, tiền lưu đậu, nhập chợ, tiền thuê mặt bằng…theo thực tế phát sinh. Trong đó, ô vựa của mỗi thương nhân sẽ được bố trí hoạt động xen kẽ; còn hoạt động bốc xếp, sơ chế chỉ được hoạt động ở một khu vực nhất định để hạn chế tiếp xúc và được ghi nhận thông tin trong thẻ ra vào chợ.

Công ty chợ Bình Điền sẽ tạm đóng 50% hệ thống cửa ra vào nhà lồng (hiện nay mỗi nhà lồng B, D, F có 36 cửa ra vào) để kiểm soát số lượng người ra vào khi chợ hoạt động. Đơn vị này, cũng sẽ phân luồng giao thông, hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người. Đội ngũ nhân sự phòng bảo vệ, ban điều hành từng nhà lồng sẽ bố trí lực lượng kiểm tra camera trong suốt quá trình chợ hoạt động, nhằm kịp thời giám sát và phát hiện trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.

Đại diện Công ty chợ Bình Điền cho biết, sẽ không cho phép tái diễn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và nghiêm cấm tất cả trường hợp thu gom ve chai, bán vé số, bán dạo trong khuôn viên chợ. Điển hình, hoạt động sơ chế chỉ được thực hiện tại những khu vực quy định và phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m, cũng như quy định số lao động tối đa hoạt động trong khu sơ chế căn cứ theo diện tích thuê.

Tại những khu sơ chế, Công ty chợ Bình Điền thực hiện phương án thu hẹp diện tích hoặc tăng giá thuê/phí dịch vụ nhằm khuyến khích đơn vị kinh doanh... hạn chế và tiến tới loại bỏ hoạt động sơ chế tại ô vựa. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình kinh doanh của từng nhà lồng, mức độ đáp ứng các tiêu chí của từng thương nhân, người lao động..., Công ty chợ Bình Điền sẽ tiến hành theo lộ trình việc tăng số lượng thương nhân hoạt động tại chợ từ 30% lên đến 100%.

Riêng đối với thương nhân, tiểu thương... chỉ được phép hoạt động kinh doanh khi đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí phòng chống dịch COVID-19, ưu tiên các thương nhân cam kết không có hoạt động sơ chế, không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, sản phẩm có đóng gói, bao bì, nhãn hiệu riêng. Những người vào chợ, gồm cả thương nhân, thương lái, người lao động, tài xế, người mua hàng... phải đảm bảo tiêu chuẩn như làm thẻ ra vào chợ, tiêm chủng đủ hai liều vaccine COVID-19, tuân thủ quy định 5K, di chuyển theo lưu đồ giao thông tại chợ...

Cũng trong hôm nay, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố định hướng mở dần một số dịch vụ như ăn uống tại chỗ, nhất là ưu tiên những "vùng xanh". Việc mở lại các dịch vụ này phải theo Bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực thành phố đã quy định của Thành phố.

Trước đó, theo Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh, từ 1/10 nhiều ngành nghề, lĩnh vực được hoạt động trở lại; trừ quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo. Dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động trở lại, nhưng chỉ bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ.

Về phía Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đã có công văn báo cáo và kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán bằng cả hai hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu... Điều kiện để các cơ sở này được hoạt động là đáp ứng yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

Các hàng quán chỉ được hoạt động đến 21 giờ, với công suất phục vụ tối đa 50%; mật độ phục vụ không quá 2 người mỗi bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m. Theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sau 15 ngày nới lỏng giãn cách xã hội trên địa bàn, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước