Ảnh minh họa.
Báo cáo cho biết giai đoạn này, lao động có trình độ từ đại học trở lên gặp nhiều khó khăn khi tìm việc hơn các nhóm khác. Bởi trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các vị trí cần trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm gần 23%. Các doanh nghiệp đa phần đều đang gặp khó khăn nên hạn chế tuyển dụng các vị trí quản lý trả lương cao mà ưu tiên người làm được việc ngay.
Về mức lương, trên 40% người tìm việc mong muốn lương mỗi tháng trên 20 triệu đồng. Trong khi đó, chưa đến 15% các vị trí tuyển dụng có mức lương này.
Theo báo điện tử Dân trí, thực tế thị trường cho thấy, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang cần lượng lớn lao động có tay nghề và nguồn cung luôn không đủ so với nhu cầu. Trong khi đó, lao động trình độ đại học trở lên luôn trong tình trạng dư thừa, quý nào cũng có số lượng người tìm việc cao hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Khi kinh tế gặp khó khăn, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên cũng là nhóm thường bị doanh nghiệp cắt giảm việc làm.
Thống kê năm 2022 cho thấy, toàn thành phố có 146.285 người mất việc, được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nhóm mất việc nhiều nhất là lao động phổ thông (chiếm 56,62%), đứng thứ 2 là lao động có trình độ đại học trở lên (chiếm 31,14%).
Trong khi đó, lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc là 2.869 (chỉ bằng 1,96%). Người có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 (tương đương 4,66%). Người có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm 5,62%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!