Phạt đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và 40 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe lên đến 2 năm là mức phạt kịch khung dành cho hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện nay. Dù phạt nặng là thế, tuy nhiên tình trạng sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông vẫn diễn ra phức tạp, thậm chí có dấu hiệu gia tăng về mức độ vi phạm. Trong đợt cao điểm xử lý hành vi vi phạm giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) TP Hồ Chí Minh đã liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Hơn 22h tại góc đường giao giữa Lý Chính Thắng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Đội Cảnh sát giao thông Bàn Cờ phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động lập chốt kiểm tra nồng độ cồn đã nhanh chóng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh đã liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Đa phần các cá nhân vi phạm đều hợp tác với lực lượng chức năng, tuy nhiên cũng vẫn có trường hợp tỏ ra ngoan cố, tìm mọi cách lẩn tránh để không phải kiểm tra nồng độ cồn.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, tính từ ngày đầu tiên của đợt cao điểm xử lý vi phạm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông TP đã xử lý hơn 600 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, trong đó đa phần vi phạm ở mức cao nhất. Vì vậy, việc đẩy mạnh xử lý vi phạm là vô cùng cần thiết để bảo đảm trật tự an toàn giao thông của TP.
Để xử lý tận gốc vi phạm về nồng độ cồn, trong thời gian tới lực lượng CSGT TP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!