TP Hồ Chí Minh: Kịp thời gỡ "nút thắt" giải ngân vốn, nhiều dự án chống ngập sẽ sớm về đích

Phong Hà-Thứ năm, ngày 23/05/2024 06:00 GMT+7

Các cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng đang phải tạm ngưng xây dựng vì có vốn mà không có cơ chế giải ngân.

VTV.vn - Một khi được gỡ vướng mắc về giải ngân vốn, nhiều dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể "sớm về đích".

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, lũy kế từ năm 2021 đến nay, thành phố mới chỉ giải quyết được 5/18 điểm ngập do mưa, đạt 27,78%. Trong khi đó, dự án chống ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, không phải vì thiếu vốn mà do vướng các quy định pháp luật để giải ngân về vốn.

Tốc độ giải quyết các điểm ngập còn chậm

Theo đó, lũy kế từ năm 2021 đến 2023, TP Hồ Chí Minh mới chỉ giải quyết được tình trạng ngập lụt do mưa hoặc mưa lớn kết hợp với triều cường tại các tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước như đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát trên địa bàn Q. Tân Phú và Nguyễn Hữu Cảnh trên địa bàn Q Bình Thạnh.

TP Hồ Chí Minh: Kịp thời gỡ nút thắt giải ngân vốn, nhiều dự án chống ngập sẽ sớm về đích - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường tại TP Thủ Đức ngập nặng do mưa

Để giải quyết 13 tuyến ngập do mưa còn lại gồm đường Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khôi, Hồ Học Lãm, Đặng Thị Rành, QL1A, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương và Nguyễn Văn Hưởng, Thành phố sẽ cần thực hiện 9 dự án với tổng mức đầu tư lên tới 3.413 tỷ đồng. Bên cạnh các tuyến đường ngập do mưa, TP còn 5 tuyến đường thường xuyên ngập nặng do ảnh hưởng bởi triều cường như Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích và QL50.

Được biết, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố, từ nay đến năm 2025, sẽ khởi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu- đến Cầu Cụt) và dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ. Đồng thời xây dựng các bước chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án gồm dự án nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu; dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng; dự án cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A; dự án nạo vét trục thoát nước rạch bà Lớn; dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh; dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức; nâng cấp, cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ, đảm bảo thoát nước cho khu đô thị và khu dân cư mới.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện nay theo phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư trung hạn tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TP Hồ Chí Minh thông qua thì dự kiến sẽ có 5/9 dự án được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng mức đầu tư khoảng 784,4 tỷ đồng. Do đó nếu theo kế hoạch này thì đến năm 2025, Thành phố sẽ giải quyết thêm được 9 điểm ngập, nâng số điểm ngập giải quyết được lên 14/18 điểm ngập. Để giải quyết được 4 điểm ngập còn lại, Thành phố sẽ cần số vốn bổ sung lên tới 2.628,6 tỷ đồng.

Cần một cơ chế đặc thù để gỡ vướng các quy định của pháp luật, giải ngân cho dự án

Riêng dự án chống ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng hiện nay là mối quan tâm của rất nhiều người dân do rất kỳ vọng việc dự án khi hoàn thành sẽ đưa Thành phố thoát cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa - thì đến nay vẫn phải tạm dừng do TP Hồ Chí Minh còn vướng trong việc lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công.

Các cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng đang phải tạm ngưng xây dựng vì có vốn mà không có cơ chế giải ngân.

Do đó việc phải tạm dừng thi công không những khiến cho máy móc và nhiều hạng mục thiết bị tại các cống ngăn triều này bị gỉ sét mà còn làm cho các dự án phải "oằn lưng" gánh thêm tiền tỷ đồng lãi phát sinh mỗi ngày.

Được biết, việc dự án kéo dài quá lâu cũng là những trăn trở của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc tiếp xúc cử tri Q4, Q7 và huyện Nhà Bè vừa qua, ông Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã thông tin cho biết thành phố đã dành một phần vốn riêng cho các dự án nhưng cũng không thể giải ngân do vướng quy định của pháp luật.

"Theo quy định của pháp luật, đây dự án BT (Xây dựng- Chuyển giao) thì dự án phải hoàn thành. Hoàn thành xong rồi thì thanh toán bằng đất trước, sau đó thanh toán bằng tiền sau. Những quy định này kéo dài do đó cho đến giờ này, Thành phố chưa thanh toán được mặc dù Thành phố năm 2023 đã bố trí 5.700 tỷ đồng để thanh toán. Năm nay bố trí 6.800 tỷ đồng để thanh toán nhưng vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Những vướng mắc hiện nay của dự án chống ngập cũng gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố" - ông Phan Văn Mãi nói.

Vừa qua để tháo gỡ các vướng mắc của dự án, UBND TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế cho nhà thầu vay từ ngân sách thành phố để hoàn thiện dự án. Sau khi hoàn thiện dự án mới làm thủ tục thanh toán. Dự kiến nếu có vốn, nhà đầu tư sẽ có thể hoàn thành công trình và đưa vào vận hành trong thời gian 8 tháng kể từ khi được giải ngân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước