TP Hồ Chí Minh: Nhiều bãi giữ xe ngầm vẫn ‘án binh bất động’

Đ.Huyền - Minh Tân-Thứ hai, ngày 25/07/2022 12:56 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh có hơn 1 triệu xe ô tô, hơn 8 triệu xe gắn máy nhưng thiếu chỗ đậu xe trầm trọng.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều bãi giữ xe ngầm vẫn ‘án binh bất động’ - Ảnh 1.

Nhiều phương tiện dừng đậu trên đường Sương Nguyệt Ánh (Q.1) mặc dù tuyến đường không được phép đậu xe.

Lượng phương tiện ở TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, bãi giữ xe ở trung tâm thành phố cũng trở nên khan hiếm. Vậy nhưng, nhiều dự án quy hoạch bãi đổ xe ngầm đến nay đã hơn 10 năm vẫn "án binh bất động" bởi nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, ghi nhận tại các tuyến đường Sương Nguyệt Ánh, Trương Định, Nguyễn Văn Thủ, Alexandre de Rhodes,...đều có biển báo cấm dừng, đỗ hoặc cấm đỗ xe. Nhưng vì không tìm ra bãi đậu nên nhiều tài xế đỗ ngay sau biển báo cấm hoặc bật đèn khẩn cấp nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

1 trong 4 bãi đậu xe ngầm được chọn triển khai là tại công viên Lê Văn Tám (Q.1). Tháng 8/2010, tại đây đã diễn ra lễ động thổ dự án "Xây dựng tầng ngầm bãi đậu xe, dịch vụ thương mại" do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư.

Công trình với vốn đầu tư sau nhiều năm chậm tiến độ đã tăng từ 70 triệu USD lên 200 triệu USD, có diện tích sàn hơn 100.000 m2, sâu 15m, dự kiến chứa hơn 2.000 xe máy, 1.250 ôtô, 28 chỗ đỗ xe buýt và xe tải.

Tuy nhiên, nhiều năm qua không triển khai thi công dự án, gần cuối năm 2019 dự án bị UBND TP Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng và thu hồi.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều bãi giữ xe ngầm vẫn ‘án binh bất động’ - Ảnh 2.

Mô hình bãi đậu xe Sân khấu Trống Đồng (quận 1)

Tiếp đến là dự án bãi xe ngầm Sân khấu Trống Đồng (tiền thân là dự án Hầm đậu xe và thương mại dịch vụ Lam Sơn), được UBND TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện năm 2008.

Công trình có tổng diện tích hơn 5.000 m2 với tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, thiết kế xây dựng gồm 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, có thể chứa hơn 800 ôtô và 400 xe máy.

Do nhiều vướng mắc dẫn đến chậm triển khai, cuối năm 2018, dự án bị Sở Tài nguyên & Môi trường đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi. Tháng 7/2019, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện công trình với điều kiện phải cam kết đúng tiến độ khởi công trong năm 2020, hoàn thành cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đình trệ.

Đại diện đơn vị đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh giải thích: "Chúng tôi đã trình bày vướng mắc pháp lý với UBND TP. Trước kia cho phép chúng tôi hoạt động thương mại dịch vụ nhưng nay lại đề nghị chúng tôi chuyển đổi chức năng sang công cộng, chúng tôi đề xuất có thể xem xét giao phần sân khấu trên mặt đất để kết hợp với không gian công cộng, phần nào có thể giải quyết được vấn đề thu hồi vốn của chủ đầu tư và không thay đổi quy hoạch kiến trúc mà dự án đã được phê duyệt năm 2015, có như vậy thì chúng tôi triển khai dự án nhanh".

Hai dự án còn lại là bãi đậu xe ngầm ở Sân vận động Hoa Lư và Công viên Tao Đàn với vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, sức chứa 3.700 ô tô, gần 3.800 xe máy cũng bị đề xuất chấm dứt đầu tư theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh và bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu khả thi để tìm nhà đầu tư khác.

Nói về vai trò của bãi đậu xe ngầm với mỹ quan đô thị và với thực trạng giao thông, PGS. TS Phạm Xuân Mai – Nguyên Trưởng khoa Cơ khí – ĐH Báck khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng TP Hồ Chí Minh mặt bằng không có nhiều, làm bãi xe nổi thì chiếm diện tích nhiều và cảnh quan không đẹp. Bãi xe ngầm không chỉ riêng khu trung tâm mà bất kỳ tiện ích nào khi xây dựng cũng cần có bãi xe ngầm. Bãi giữ xe ngầm cần gắn liền với giao thông công cộng, nhất là các tuyến ngầm. Khi xây dựng các tuyến ngầm, chỉ cân làm thêm một chút nữa sẽ có bãi giữ xe ngầm ở các tuyến ga, kinh phí tăng không đáng kể so với việc xây dựng một bãi giữ xe ngầm mới. Đi đôi với chính sách sẽ tạo ra bãi giữ xe ngầm, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông vì người dân có chỗ đậu xe thì họ sẽ đi bộ, tàu điện ngầm, xe bus vào trung tâm tp rồi lại đi về, như vậy thì khu trung tâm được giải tỏa".

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong bán kính 500m quanh trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh có 59 công trình cao tầng có từ 1-5 tầng hầm đỗ xe và gần 50 công trình cao tầng có hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ hơn. Ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cho cư dân, còn hơn 1.300 chỗ đậu ô tô và gần 2.800 xe máy cho xe khách vãng lai đậu. Tuy nhiên, giá giữ ô tô những nơi này khá cao và tính theo giờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước