Người dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội
TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn quyết định trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 khi từ 0h ngày 9/7. Toàn TP thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16.
Lãnh đạo thành phố khẳng định, bản thân Chỉ thị này không phải là "liều thuốc" giúp đẩy lùi ngay dịch bệnh. Mà chính sự hiểu biết đúng, đủ và thực hiện nghiêm túc của người dân theo các nguyên tắc của chỉ thị này mới có thể khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Lưu lượng phương tiện qua nút giao thông Cộng Hòa (vòng xoay Lăng Cha Cả) không đông như những ngày trước. Ảnh: TTXVN
Thực hiện nghiêm theo nguyên tắc Chỉ thị 16, trong ngày đầu tiên này, nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đã lập các chốt kiểm soát, hạn chế lượng người di chuyển. Muốn qua chốt, người dân phải xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nếu là những nơi được cho phép hoạt động theo văn bản hướng dẫn của UBND TP Hồ Chí Minh.
Để thực hiện Chỉ thị 16 được hiệu quả, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng trên từng địa bàn, sự phối hợp liên quận, liên ngành cũng đặc biệt quan trọng.
Ngoài các chốt chặn trong nội thành, trong 15 ngày này, TP Hồ Chí Minh cũng tái lập 12 chốt kiểm soát dịch trên các tuyến đường cửa ngõ với 4 tỉnh giáp ranh là Tây Ninh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Lượng phương tiện qua lại ít hơn hẳn so với ngày thường, tuy nhiên, thi thoảng vẫn có ùn tắc cục bộ do nhiều người không đáp ứng được giấy tờ cần thiết. Do đã có sự chuẩn bị từ trước nên các lực lượng chức năng cũng nhanh chóng giải tỏa được sự ùn tắc tạm thời này.
Về hàng hóa, thực phẩm, ghi nhận trong ngày 9/7, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có nguồn hàng dồi dào, ổn định. Tất cả đều thực hiện nghiêm yêu cầu phòng chống dịch, hạn chế và có quy định số lượng người ra vào các nơi trên trong cùng 1 thời điểm.
Nỗ lực dập dịch trong 2 tuần giãn cách
TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn chống dịch căng thẳng nhất là thực hiện các nguyên tắc Chỉ thị 16 với những mức độ gắt gao hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là nỗ lực cao nhất của TP Hồ Chí Minh để kiểm soát dịch bệnh, chặn đứng nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, để tận dụng khoảng thời gian 2 tuần quý giá này, TP Hồ Chí Minh phải có những biện pháp thật sự khả thi.
Chỉ trong vòng 1 tuần thực hiện lấy 5 triệu mẫu trên diện rộng, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm hàng ngàn ca F0 trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn còn nhiều F0 tồn tại trong cộng đồng mà không có triệu chứng, gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, khi TP Hồ Chí Minh quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 sẽ phần nào làm các F0 này không có cơ hội tiếp xúc và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, các kết quả từ việc xét nghiệm 5 triệu mẫu diện rộng sẽ giúp tìm ra thêm F0 và các trường hợp F1 sắp chuyển thành F0.
Hiểu được tầm quan trọng của việc xét nghiệm, TP Hồ Chí Minh hiện có 2.000 đội lấy mẫu, tổng công suất lấy mẫu đạt 1,3 triệu mẫu mỗi ngày. Về năng lực xét nghiệm, công suất đạt 400.000 mẫu gộp một ngày. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ không chạy theo số lượng như chỉ tiêu đề ra mà chủ yếu dựa vào điều tra dịch tễ.
Bên cạnh việc thay đổi chiến lược xét nghiệm, TP Hồ Chí Minh cũng trang bị thêm các máy xét nghiệm PCR để nâng cao công suất xét nghiệm, đáp ứng tình hình dịch bệnh của TP. Song song với công tác lấy mẫu xét nghiệm, kế hoạch tiêm phòng 100.000 liều vaccine ngừa COVID-19 vẫn được TP ráo riết triển khai.
Lên phương án điều trị từ 10.000 đến 20.000 ca mắc COVID-19, thực hiện cách ly F1 tại nhà toàn TP là những nỗ lực tiếp theo mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện. Nhưng trên hết, vaccine phòng dịch tốt nhất vẫn là ý thức của người dân trong 15 ngày này. Ý thức đó sẽ quyết định rất lớn đến công tác xét nghiệm, phát hiện cũng như điều trị các ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia y tế, số ca mắc mới tại TP sẽ vẫn tiếp tục tăng và thời điểm này là thời điểm quyết định, TP có đẩy lùi được dịch bệnh hay không từ chính những nỗ lực đang thực hiện.
Đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn do dịch bệnh
Nhóm mặt hàng thực phẩm đông lạnh dồi dào nguồn cung tại kênh bán lẻ. Ảnh: TTXVN
Thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày với một thành phố hơn một chục triệu dân là điều không hề đơn giản. Nhưng với quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong thời gian sớm nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân cảm thông và chia sẻ, thực hiện nghiêm chỉ thị.
Tại cuộc làm việc với TP Hồ Chí Minh ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các bộ ngành có liên quan bám sát tình hình thực tế, đáp ứng tối đa cho TP Hồ Chí Minh, theo yêu cầu của Thành phố. Đại diện các bộ ngành cũng cam kết cùng sát cánh với TP Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bộ Công Thương đã kết nối ngay với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bán lẻ, kể cả trong và ngoài thành phố, để sẵn sàng các nguồn hàng thiết yếu, bảo đảm cung ứng cho mọi người dân trong mọi tình huống.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là ưu tiên chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, cùng lúc cứu chữa người mắc bệnh COVID-19, hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà các tỉnh thành có dịch đều đang nỗ lực thực hiện những ưu tiên này.
Gói hỗ trợ 886 tỷ đồng sẽ đến tay người dân trong 7 ngày tới
TP Hồ Chí Minh sẽ chi gói hỗ trợ 886 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với thủ tục đơn giản và chi trả nhanh chóng. Đây là yêu cầu đặt ra của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh trong cuộc họp báo sáng 9/7 về việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Người sử dụng lao động làm các thủ tục để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chi trả hỗ trợ. Với lao động tự do, tổ dân phố sẽ lập danh sách gửi lên phường, xã. Người lao động sẽ nhận hỗ trợ qua chuyển khoản, người không có tài khoản thì được nhận trực tiếp.
Mục tiêu của TP là thực hiện nhanh nhất gói hỗ trợ đến đúng người thụ hưởng một cách công khai minh bạch. Kinh phí gói hỗ trợ lần 2 chi từ nguồn ngân sách thành phố, sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 7 và kết thúc trong tháng 8/2021.
Hiện thành phố có khoảng 24.000 công nhân bị chấm dứt hợp đồng do điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn; lao động tự do là khoảng 230.000 người và lao động bị ngừng việc, mất việc khoảng 80.000 người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!