Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn Cước có hiệu lực thi hành. Luật gồm 07 Chương 46 Điều. Đây không chỉ là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ Căn cước, Căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở Việt Nam theo mục tiêu của Đề án 06 Chính phủ.
10 điểm mới của Luật Căn Cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024
Để triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn đạt hiệu quả, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trực thuộc đơn vị; Đặc biệt, nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân viên cơ quan Nhà nước trong công tác tuyên truyền đến gia đình, bạn bè, người thân.
Cùng với đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đặc điểm tình hình của từng địa bàn để áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt, đa dạng.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số: Zalo, Facebook... để tạo sự tương tác, lan tỏa sâu rộng trong xã hội; in Pano tuyên truyền đặt tại trụ sở đơn vị; In ấn, niêm yết mã QR-code có nội dung tuyên truyền dán tại các trường học, chung cư, siêu thị, các địa điểm tập trung đông dân cư,.... để tuyên truyền cho người dân.
Đồng thời, kết hợp tổ chức tuyên truyền tại các buổi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các cuộc thi, hội thao; hội nghị báo cáo viên, các buổi sinh hoạt cơ quan, đơn vị; các sự kiện, hội nghị,... đông người dân, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, học sinh tham gia phù hợp với điều kiện thực tiễn đặc biệt lồng ghép tuyên truyền trong các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!